Ngược lại, mực nước biển ngày càng dâng cao, ranh mặn lấn sâu vào nội đồng và ngày càng có nhiều địa phương “lần đầu” ghi nhận nước mặn tràn vào các sông, tiến gần đến các đô thị xưa nay là vùng nước ngọt. Gần nhất là trên kinh xáng Xà No. Trong 5 năm trở lại đây, đời sống của hàng ngàn hộ dân dọc theo kinh xáng Xà No (TP.Vị Thanh, Hậu Giang) bị xáo trộn lớn do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Có năm, người dân bị nước mặn “tấn công” bất ngờ, phải bấm bụng mua nước ngọt xài. Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân tại khu vực này nghiêm trọng đến mức tỉnh phải xây dựng nhà máy cung cấp nước ngọt mà nguồn dẫn nước lấy cách xa hàng chục cây số.
Nếu như trước đây, ở ĐBSCL, chuyện xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt chỉ xuất hiện ở các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre…thì hiện nay, “Hậu Giang đã vận hành hệ thống 11 cống ngăn mặn thuộc tuyến kênh Ô Môn - Xà No để điều tiết nước theo quy trình nghiêm ngặt bảo vệ diện tích lúa và cây trồng của tỉnh, chống bị nhiễm mặn”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Trước đó, để bảo vệ 10.000 ha lúa ở H.Long Mỹ và TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã cho xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, hiện đã hoàn thành được 60% khối lượng công việc. Trước mắt, để chống mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp tỉnh này chủ động xuất ngân sách từ nguồn thủy lợi phí trên 1 tỉ đồng để xây dựng các đập thời vụ; đồng thời đưa vào vận hành trạm bơm nước ngọt dự trữ từ kênh Tám Ngàn thuộc H.Châu Thành A dẫn về nhà máy nước tại Vị Thanh để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo: “lưỡi mặn” từ cửa Định An men theo sông Hậu đã liếm sát TP.Cần Thơ. Nước biển dâng cao, hệ thống nước ngọt ngày càng suy yếu, thuật ngữ “lũ mặn” ra đời trong vài năm trở lại đây trở nên phổ biến hơn. “Lũ mặn từ biển Đông, biển Tây ngày càng tiến sâu vào nội đồng. Và TP. Cần Thơ khó tránh khỏi tình cảnh bị mặn xâm nhập trong một tương lai gần”, một nhà khoa học cảnh báo.
Theo Thanh niên