Giá rau tại chợ dân sinh tăng mạnh
Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao và đạt mức báo động 1. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh, đạt mức báo động 2.
Trước tình hình bão lũ hiện tại, giá rau xanh Hà Nội chứng kiến mức tăng mạnh, gấp đôi so với ngày thường. Theo ghi nhận tại chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy), giá rau muống chiều ngày 10/9 là 20.000/bó (tăng 10.000), các loại rau cải 25.000/kg (tăng 7.000), rau mồng tơi 15.000 đồng/bó (tăng 8.000 đồng)...
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nga - tiểu thương tại chợ cho rằng lý do rau đắt là do mưa bão nên vườn rau mất mùa, rau sẽ ngày một đắt và khan hiếm.
"Nước sông Hồng dâng cao nên các vườn rau quanh đấy đều bị ngập hết. Giờ này nhập hàng rất khó, rau dập nhiều mà giá đắt gấp đôi cũng phải chấp nhận", bà Nga nói.
Tương tự, tại nhiều sạp rau ở chợ Cốm (Nam Từ Liêm) tăng khoảng 50% so với thời điểm trước bão.
Chị Hồng (Mỹ Đình) là một nội trợ có chia sẻ: "Nay tôi đi chợ mua mớ rau mà đắt ngang thịt, nhưng vì bão lũ nên cũng phải chịu. Nói chung là thời điểm này gia đình cũng phải thắt chặt chi tiêu hơn". Đồng thời, chị cũng dự báo giá rau sắp tới sẽ còn tăng giá vì khan hiếm nguồn hàng
Bình ổn giá rau tại hệ thống siêu thị
Tại các hệ thống siêu thị như Aeon, Winmart, giá rau củ vẫn tương đối ổn định và không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên tại Aeon Cầu Giấy, mặt hàng rau xanh hết từ khá sớm và chỉ còn một số loại như rau cần tây, cải mơ... Vì vậy nên người mua không có quá nhiều lựa chọn.
Song ghi nhận tại hệ thống Winmart, nguồn cung các mặt hàng rau xanh về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ra Công điện về việc tăng nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3.
Công điện được đưa ra nhằm kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt, phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão gây ra để thu lời bất chính.
Đặc biệt, trong lần trả lời nhanh ngày hôm nay (10/9), Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Thanh Loan