Áp thấp nhiệt đới kèm mưa to, gió lớn khiến mực nước ở nhiều dòng sông trên địa bàn Thừa Thiên – Huế dâng cao. Nhiều con đường, tuyến phố ngập trong nước gây ra bao phiền toái cho người đi đường.
Thế nhưng, với một số ít người, có lẽ đây lại chính là cơ hội để họ mưu sinh, cải thiện thu nhập. Họ chính là ngư phủ - những người có cuộc sống vốn gắn liền với sự lên xuống, “buồn –vui” của các con nước.
Dọc sông An Hòa (TP Huế), không khó để người ta bắt gặp những hình ảnh, chồng cất vó, vợ ngồi bán cá tôm ngay bên cạnh.
Vợ chồng anh Rin, nhà ở đường Đặng Tất (TP Huế) đã gắn bó với con nước sông An Hòa từ ngày nên nghĩa phu thê. “Cứ có lũ là có tiền, ai khó chịu vì lũ chứ tui đây là rất khoái”, anh Rin cười.
Dưới chân cầu Bao Vinh, vào sáng sớm, vợ chồng anh Thiện, ở xã Hương Vinh, TX. Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) đang tất bật gom, phân loại cá cho kịp chợ. Cả đêm qua, hai vợ chồng anh thức trắng buông lưới, đặt lừ dưới hạ lưu sông Hương.
“Sáng nay, nước lên nhanh và chạy xiết khiến thuyền lướt chậm nên ra chợ muộn”, vợ anh Thiện tay vừa gỡ cá, vừa lo lắng.
Trên sông An Cựu (TP Huế), trong đêm khuya, khi nước đã rút dần, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh vẫn miệt mài với công việc đặt lừ.
Với anh Minh, công việc này đã gắn bó với họ suốt 20 năm. Anh chia sẻ, sau mưa lớn, cá ở sông Hương theo dòng nước đổ về sông An Cựu rất nhiều. Nhờ thế, cá mới dính lừ, giúp hai vợ chồng anh có thêm thu nhập.
Mùa nước lũ, đa số cá mắc lừ, mắc lưới là cá mặt trăng, cá bống thệ. Còn sa vó thường là tôm tép, cá cấn và cá mại.
Từ xưa đến nay, những loại cá trên đã trở thành món khoái khẩu của người Huế, nhất là vào mùa mưa lũ. Vậy nên, cá của những ngư phủ luôn đắt hàng, chỉ sau bài chục phút đã bán hết sạch.
Lê Kông