Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương

Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Lâu nay, người ta đều nói rằng chính Hạng Vũ là người đã ra lệnh đốt rụi cung A Phòng tòa cung điện quy mô, tráng lệ và xa hoa bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất lại chứng minh rằng từ hàng ngàn năm nay, người ta đã nghi oan cho vị Tây Sở Bá Vương lừng lẫy này…

Lửa thiêu cung A Phòng

Một trong những tội ác mà hàng ngàn đời nay, người Trung Quốc vẫn lên án Tần Thủy Hoàng - vị Hoàng đế đầu tiên của xứ sở này - chính là việc xây dựng những công trình hao tiền, tốn của và làm kiệt quệ sức dân, dẫu rằng họ vẫn phong tặng cho những công trình này đủ thứ danh hiệu, từ kỳ quan tới thắng cảnh. Cung A Phòng cũng là một công trình gây ra những tranh cãi như vậy.

Theo những gì sử sách còn ghi chép thì cung A Phòng được Tần Thủy Hoàng xây dựng vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 35, tức năm 212 trước Công nguyên để nghỉ mát trong những ngày hè. Vị trí của cung A Phòng khu lâm uyển (khu rừng dành riêng cho vua chúa đi săn) ở bờ Nam sông Vị, đối diện với kinh đô Hàm Dương của nước Tần nằm ở bờ phía Bắc.

Tính theo vị trí hiện tại thì cung A Phòng nằm cách trung tâm thành phố Tây An, tỉnh Thiêm Tây khoảng 13km về hướng Tây. Theo sử sách thì cung A Phòng được kiến trúc rất quy mô và rộng lớn, khi Tần Thủy Hoàng còn sống chỉ xây được một phần phía trước của cung điện.

Xã hội - Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương

Cung A Phòng

Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên có nói rằng chỉ riêng phần đã hoàn thành này cũng đã rộng lớn tới mức kinh người: “Chiều từ Đông sang Tây của phần điện phía trước cung A Phòng dài 500 bộ (hơn 800m), chiều Nam - Bắc dài 50 trượng (hơn 150m), phía trên có thể ngồi được hàng chục ngàn người, phía dưới có thể dựng được cột cờ 5 trượng”.

Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị Thế Hồ Hợi tiếp tục ra lệnh xây dựng cung A Phòng. Một nhà thơ có tiếng thời Đường là Đỗ Mục đã viết bài “A Phòng cung phú”, trong đó miêu tả về cung A Phòng như một cung điện nguy nga tráng lệ, phòng lâu san sát, tất cả đều được chạm trổ những nét điêu khắc và hoa văn rất độc đáo với diện tích hơn ba trăm dặm.

Tính theo các đơn vị đo lường ngày nay thì diện tích của cung A Phòng vào khoảng 80 ngàn mét vuông, có thể chứa hàng chục ngàn người. Theo truyền thuyết thì cung A Phòng có tới hơn 70 cung thất lớn nhỏ khác nhau. Trong một ngày mà thời tiết ở các cung thất, điện đài không nơi nào giống với nơi nào.

Cung điện huyền thoại này là nơi cất giữ vàng bạc, châu báu cũng như hàng ngàn vạn mỹ nữ mà đội quân nước Tần cướp được trong cuộc chiến tranh chinh phục 6 nước chư hầu. Người ta nói rằng, vàng bạc trong cung điện chất như núi còn mỹ nữ thì có cả vạn người.

Hiện tại, ở thị trấn Tam Kiều, ngoại ô phía Tây thành Tây An vẫn còn lưu giữ di chỉ cung A Phòng với diện tích lên tới 60 ngàn mét vuông. Điều đó đủ chứng minh rằng cung A Phòng được Tần Thủy Hoàng thiết kế và xây dựng có quy mô lớn tới mức nào. Nhiều người thậm chí còn cho rằng các công trình xây dựng hiện đại ngày nay, dù quy mô đến mấy cũng không sao sánh được với cung A Phòng.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao Tần Thủy Hoàng lại xây dựng một khu nghỉ mát mùa hè rộng lớn và hoành tráng đến như vậy. Nhiều người cho rằng câu trả lời thật đơn giản, bởi đó là bản tính của Tần Doanh Chính: bạo liệt và nghênh ngang, không biết trên đầu có ai.

Hơn nữa, khi đó, Tần Doanh Chính đã thống nhất cả thiên hạ, sự bạo liệt và kiêu ngạo của ông ta càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mặt khác, trong quá trình thôn tính 6 nước, Tần Doanh Chính đã thu được không ít của cải và mỹ nữ từ 6 nước vừa bình định đem về Hàm Dương. Quyền lực, tiền bạc đã đủ, vị “con giời” này đương nhiên thiết lập nốt “ngôi“ chúa cuối cùng đó là ái tình, cho thỏa tính ngông và thỏa mãn dục vọng kiểu đế vương.

Nhiều người lại tin vào truyền thuyết về một câu chuyện tình lãng mạn giữa Tần Doanh Chính và cô con gái của một thầy thuốc nước Triệu. Chính tên của người con gái đó đã được Tần Thủy Hoàng lấy để đặt tên cho cung điện vĩ đại nhất trong lịch sử này.

Chuyện kể rằng, hai người quen biết nhau từ khi Tần Doanh Chính còn ở Hàm Đan - kinh đô nước Triệu. Khi Tần Doanh Chính trở về Hàm Dương - kinh đô nước Tần - thì A Phòng cũng theo cha đến Hàm Dương tìm hoa kim cúc để chế thuốc trường sinh và hai người gặp lại nhau tại đây. Tần Doanh Chính dưới danh nghĩa một anh thợ mộc đã ngỏ lời muốn kết hôn cùng A Phòng và đã được A Phòng nhận lời.

Tuy nhiên, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở. Thái hậu Trịnh Cơ - mẹ của Tần Thủy Hoàng và Lã Bất Vi - tướng quốc nước Tần muốn Tần Thủy Hoàng lấy công chúa một nước khác với mục tiêu tạo thành một liên minh chính trị. Bởi vậy, Triệu Cơ và Lã Bất Vi đã tìm mọi cách ngăn cản tình yêu của họ, thậm chí đã nhiều lần định giết cả A Phòng.

Trong khi đó, các nước khác như Triệu, Sở, Hàn, Ngụy, Vệ… thì tìm mọi cách để ám sát Tần Doanh Chính. Lợi dụng việc Trường Lạc - công chúa nước Triệu - có dung mạo giống hệt như A Phòng, họ đưa cô đến để đóng giả làm A Phòng, hòng ám sát Tần Doanh Chính. Nhưng không may, công chúa lại bị tay chân của Đồng Thái thú giết chết vì chúng tưởng cô là A Phòng.

Tần Doanh Chính vô cùng đau khổ trước cái chết của Trường Lạc công chúa mà ông ta tưởng là A Phòng nên đã cho thi hài công chúa vào một quan tài pha lê chờ người mang thuốc đến cứu chữa. Trong khi đó, các nước chư hầu khống chế và lợi dụng A Phòng, tìm cách làm cô quên mất quá khứ, khống chế cô, hòng dùng cô để ám sát Tần Doanh Chính. Tuy nhiên, nhờ Hoa Dương Thái hậu - bà của Tần Doanh Chính - hát lại một bài hát cũ mà họ đã từng hát với nhau khi xưa, A Phòng mới bừng tỉnh, hai người nhận ra nhau.

Xã hội - Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương (Hình 2).

Hạng Vũ trên phim

Tình yêu tưởng như đã đến với họ, song, đúng lúc đó, khi Tần Doanh Chính quyết định đi đánh chiếm các nước khác nhằm thống nhất Trung nguyên, A Phòng vì khuyên ngăn không được nên quyết định tự vẫn. Cái chết của A Phòng khiến Tần Thủy Hoàng vô cùng đau khổ. Vì vậy, sau này, khi đã thống nhất Trung Quốc, lên ngôi Hoàng đế và quyết định xây dựng một cung điện quy mô hoành tránh nhất trong lịch sử, Tần Thủy Hoàng mới dùng tên A Phòng để đặt tên cho tòa cung điện này như một cách tưởng nhớ người mà mình thương yêu.

Tuy nhiên, công trình được xây dựng với quy mô chưa từng thấy nhằm tưởng nhớ người tình và cũng để tỏ rõ uy quyền của Tần Thủy Hoàng đã không đứng vững được bao lâu. Chỉ vài năm sau đó, tòa cung điện nguy nga tráng lệ đã bị thiêu rụi một cách không thương tiếc.

Lâu nay, từ chính sử cho tới dã sử, người ta đều nói rằng người đã ra lệnh đốt tòa cung điện nguy nga bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc này không ai khác chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Chuyện kể rằng, trong khi Hạng Vũ kịch chiến với Chương Hàm - tướng của nhà Tần - thì Lưu Bang theo đường thẳng tiến về phía Tây, không đụng độ với cánh quân nào đáng kể của Tần, vì thế đã tiến vào Quan Trung trước.

Vua Tần là Tử Anh ra hàng. Lưu Bang vào được Quan Trung, chiếm Hàm Dương trước nhưng chưa dám làm gì. Khi đó, Hạng Vũ có 40 vạn quân, từ Tân An đi, muốn đánh chiếm đất Quan Trung nhưng cửa Hàm Dương có binh giữ cửa ải nên không vào đuợc. Nghe tin Lưu Bang đã vào Hàm Dương trước, Hạng Vũ nổi giận, sai Anh Bố đánh cửa ải. Quân Lưu Bang không chống nổi, phải rút lui. Hạng Vũ bèn vào đến phía Tây sông Hí Thủy.

Hôm sau, Hạng Vũ bày yến mời Lưu Bang ở Hồng Môn, theo mưu kế của mưu sĩ Phạm Tăng, định lợi dụng để giết Lưu Bang, trừ hậu họa về sau. Trên bữa tiệc, Phạm Tăng đã mấy lần định giết Lưu Bang nhưng do Hạng Vũ thấy thái độ của Lưu Bang quá khép nép, tin rằng Lưu Bang không có ý tranh giành với mình nên không quyết. Cuối cùng, Hàng Vũ đã tha cho quân của Lưu Bang rút khỏi Hàm Dương về Bái Thượng. Người ta thường nói đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Hạng Vũ dẫn tới thất bại thê thảm của ông sau này. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác.

Sau khi quân của Lưu Bang rút lui, Hạng Vũ dẫn 40 vạn quân ồ ạt tiến vào Hàm Dương, làm cỏ toàn bộ kinh đô của nước Tần. Không hề ôn hòa như Lưu Bang, Hạng Vũ dường như muốn chứng minh sự bạo liệt của mình không hề kém gì Tần Thủy Hoàng khi xưa. Ông ra lệnh xử tử vua Tử Anh của Tần vốn đã đầu hàng, ra lệnh cho quân lính vơ vét toàn bộ vàng bạc, châu báu cũng như mỹ nữ trong cung nhà Tần, đóng xe chuẩn bị chở về Giang Đông. Tiếp đó, Hạng Vũ ra lệnh châm lửa đốt toàn bộ cung điện, lăng tẩm của nhà Tần, bao gồm cả cung A Phòng.

Sử chép, lửa cháy suốt ba tháng ròng rã mà vẫn chưa thôi. Ngoài ra, cũng có người nói rằng sở dĩ Hạng Vũ ra lệnh đốt sạch cung điện nhà Tần là vì khi đó, ông nghe tin người thiếp yêu của mình là nàng Ngu Cơ bị bắt. Trong lúc đang ở nơi chiến tuyến xa xôi lại nhận được tin dữ, Hạng Vũ đã vô cùng tức giận nên mới ra lệnh đốt sạch cung điện nhà Tần để “hạ hỏa”.

“Sử ký” của Tư Mã Thiên chép về sự kiện này như sau: “Hạng Vũ dẫn quân về phía Tây, thảm sát thành Hàm Dương, giết chết Tử Anh đã đầu hàng, đốt toàn bộ cung thất nhà Tần, lửa cháy ba tháng không tắt”. Bài “A Phòng cung phú” của Đỗ Mục cũng có đoạn chỉ đích danh người đốt cung A Phòng chính là Hạng Vũ: “Sở nhân nhất chúc, khả liên tiêu thổ” (Một mồi lửa của người nước Sở (chỉ Hạng Vũ), Cung A Phòng một thuở thành tro).

Tuy nhiên, những ghi chép từ sử sách cũng như những phát hiện mới được công bố lại chứng minh rằng, từ trước tới sau, Sở Bá Vương Hạng Vũ không hề động tới cung A Phòng chứ đừng nói là thiêu rụi tòa cung điện nguy nga, tráng lệ này.

Xã hội - Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương (Hình 3).

Tần Thủy Hoàng và A Phòng trên phim

Và nỗi oan ngàn năm của Tây Sở Bá vương

Từ trước tới nay, người Trung Quốc luôn tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chính Hạng Vũ là thủ phạm đã thiêu rụi cung A Phòng, biến tòa cung điện này trở thành một truyền thuyết thực sự. Vì vậy, vào năm 2002, một nhóm các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tới bờ sông Vị để tìm kiếm những dấu vết còn lại của cung A Phòng, những mong được chiêm ngưỡng một phần sự nguy nga, tráng lệ của tòa cung điện huyền thoại này. Tuy nhiên, kết quả khai quật được lại khiến các nhà khoa học té ngửa. Những dấu vết còn lại của cung A Phòng xưa không hề có dấu hiệu chứng tỏ cung A Phòng đã bị từng bị đốt cháy.

Có thể nào do thời gian đã trôi qua quá lâu, những vết tích còn lại của cung A Phòng phải chịu sự bào mòn của nắng mưa nên mới không còn những dấu vết của một trận hỏa hoạn kéo dài ba tháng hay không? Câu trả lời của các nhà khảo cổ là không. Bởi vì có một tòa cung điện cũng bị lửa đốt rụi như cung A Phòng nhưng những dấu vết mà nó để lại hoàn toàn không giống như những gì người ta nhìn thấy ở di chỉ cung A Phòng. Tòa cung điện đó chính là Trường Lạc cung.

Cung Trường Lạc được xây dựng ở thành Trường An - thủ đô nhà Tây Hán - là một trong những tòa cung điện nguy nga, hoành tráng nhất dưới thời kỳ nhà Hán, là nơi ở của mẹ Hán Vũ Đế, cháu đời thứ 7 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Tương truyền, đây là nơi bắt đầu mối tình đầy lãng mạn và huyền thoại giữa Hán Vũ Đế Lưu Triệt và Trần Hoàng hậu – A Kiều.

Trần A Kiều là con gái của cô ruột Hán Vũ đế. Khi Vũ Đế còn nhỏ, một hôm, người cô hỏi có thích A Kiều không, cậu bé trả lời rằng nếu được lấy A Kiều thì sẽ xây nhà vàng cho nàng ở. Về sau, Vũ Đế lên ngôi, cưới A Kiều làm hoàng hậu và xây nhà vàng cho nàng ở như lời đã hứa.

Nhưng Trần Hoàng hậu hơn 10 năm không có con. Bình Dương công chúa - chị của Vũ Đế - tiến cử người con gái nhà họ Vệ sinh hoàng tử. Trần Hoàng hậu bị thất sủng, rất oán hờn nên đem 100 cân vàng nhờ Tư Mã Tương Như làm bài “Trường Môn phú” dâng Vũ Đế. Vũ Đế đọc bài phú, cảm động nên lại đưa nàng về ngôi vị hoàng hậu.

Đến cuối thời Đông Hán, cũng giống như cung A Phòng, cung Trường Lạc bị đốt trụi. Tuy nhiên, những dấu tích của trận hỏa hoạn còn để lại tới nay vẫn rất rõ. Xét về niên đại, cung A Phòng và cung Trường Lạc cách nhau không xa, vì thế nếu như cùng bị đốt cháy thì vì sao ở di chỉ cung A Phòng, người ta lại không thấy bất cứ dấu vết nào của trận hỏa hoạn. Trả lời cho sự khác biệt này chỉ có một khả năng duy nhất đủ thuyết phục: Cung A Phòng chưa từng bị đốt!

Khi các nhà khảo cổ đưa ra kết luận này đã gây ra một cuộc tranh luận rất dữ dội trong giới sử học Trung Quốc. Có người nghi ngờ rằng có thể nhóm các nhà khảo cổ nói trên đã khai quật sai địa điểm. Các nhà khảo cổ thì cho rằng họ không sai. Bởi lẽ, theo ghi chép của sử sách thì trước khi xây dựng tòa cung điện tráng lệ này, Tần Thủy Hoàng đã mời rất nhiều đạo sỹ để tìm kiếm một nơi có phong thủy đắc địa, gần thành Lạc Dương để xây dựng cung A Phòng.

Cuối cùng, các đạo sỹ đều khuyên rằng, Tần Thủy Hoàng nên xây dựng cung điện tại vị trí nằm ở giữa hai kinh thành của nhà Chu là thích hợp nhất. Vị trí mà các nhà khảo cổ khai quật nằm ở trong phạm vi này, hơn nữa cũng là địa điểm mà từ trước tới nay, các chuyên gia hàng đầu về cổ sử đều tin rằng đó chính là vị trí xây dựng cung A Phòng.

Tuy nhiên, nếu như thừa nhận rằng cung A Phòng chưa bao giờ bị cháy thì lẽ nào “Sử ký” - cuốn sử kinh điển từ hàng ngàn năm nay của Tư Mã Thiên - đã viết sai? Khả năng này là rất có thể. Bởi lẽ, trước đó, cũng có trường hợp tương tự về lịch sử giai đoạn nhà Thương. Theo ghi chép của “Sử ký” thì nhà Thương thống trị Trung Quốc cả ngàn năm, và đây là vương triều có thời gian thống trị dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo những phát hiện khảo cổ thì thời điểm nhà Thương bị diệt vong sớm hơn rất nhiều so với thời điểm mà Tư Mã Thiên ghi chép trong sử ký. Theo tính toán, khoảng thời gian chênh lệch này ít nhất là 500 năm. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng “Sử ký” không sai khi ghi chép về việc Hạng Vũ đốt cung A Phòng.

Thực tế, nếu như đọc kỹ “Sử ký” sẽ thấy rằng Tư Mã Thiên không hề nói rằng Hạng Vũ đã đốt cung A Phòng. Trong tác phẩm kinh điển của mình, Tư Mã Thiên chỉ nói, Hạng Vũ sau khi vào thành Hàm Dương giết chết Tử Anh, đã “đốt cung điện nhà Tần, lửa cháy ba tháng mới tắt”. Như vậy, chính những ghi chép trong “Sử ký” lại trở thành một chứng cứ minh chứng cho kết luận của các nhà khảo cổ. Bởi vì, “Sử ký” chỉ nói, Hạng Vũ vào Hàm Dương và đốt cung thất, kiến trúc của triều Tần, nghĩa là đốt các cung điện ở Hàm Dương.

Trong khi đó, cung A Phòng như đã nói được xây dựng ở bờ phía Bắc sông Vị, nằm bên ngoài thành Hàm Dương. Nói cách khác, nếu như Hạng Vũ có đốt thì chính là đốt cung điện, kiến trúc của nhà Tần ở Hàm Dương chứ không phải đốt cung A Phòng. Sau này, khi cung A Phòng đã mất, người đời sau căn cứ vào ghi chép của “Sử ký” nói rằng Hạng Vũ đốt cung điện nhà Tần nên cho rằng, cung A Phòng cũng là do Hạng Vũ đốt.

Lần giở sử sách thì người đầu tiên nói rằng cung A Phòng bị đốt cháy chính là thi nhân Đỗ Mục thời nhà Đường. Ngày nay, nhiều người tin rằng những phát hiện khảo cổ tại di chỉ cung A Phòng là không chính xác cũng bởi bài phú “A Phòng cung phú” của nhà thơ họ Đỗ. Trong bài thơ này, Đỗ Mục miêu tả rất kỹ lưỡng cung A Phòng, đồng thời kết luận, chính Hạng Vũ là người thiêu rụi tòa cung điện nguy nga này.

Tuy nhiên, Đỗ Mục là một nhà thơ, vì vậy, rất có thể ông đã hư cấu nên sự kiện cung A Phòng bị đốt để thực hiện mục đích “lấy cổ nói kim”. Việc lấy một tác phẩm văn học để làm chứng cớ lịch sử, e rằng không hợp lý.

Xã hội - Lửa cháy cung A Phòng và mối hận Tần vương (Hình 4).

A Phòng trên phim

Dù vẫn còn những tranh luận, tuy nhiên, tới năm 2004 thì giới sử học đều nhất trí cho rằng “cung A Phòng chưa từng bị đốt” và điều này cũng có nghĩa, Hạng Vũ không đốt cung A Phòng. Tuy nhiên, tới đây, có một vấn đề đặt ra là, Hạng Vũ đốt sạch cung điện ở Hàm Dương, cướp đi toàn bộ vàng bạc, châu báu của triều Tần, vậy vì sao Hạng Vũ lại bỏ qua cung A Phòng, tòa cung điện to lớn và quy mô nhất trong lịch sử nằm cách đó không xa? Kết luận của các nhà khảo cổ lại một lần nữa khiến người ta phải té ngửa khi họ cho rằng, căn bản, cung A Phòng thực tế chưa bao giờ được xây dựng!

Lý do khiến các nhà khảo cổ đưa ra kết luận nói trên là ba điểm rất “đáng nghi” khi họ khai quật di chỉ cung A Phòng. Thứ nhất là vào cuối năm 2003, người ta tìm thấy ở tường phía Bắc của cung A Phòng một lượng lớn các mảnh ngói từ thời nhà Hán. Vì sao ngói thời nhà Hán lại xuất hiện trong kiến trúc thời nhà Tần? Vậy, có phải cung A Phòng tồn tại tới thời nhà Hán, và người Hán dùng ngói này để tu sửa cung điện?

Thứ hai là, di chỉ điện trước của cung A Phòng là di chỉ cung điện lớn nhất ở Trung Quốc từ trước tới nay. Chỉ riêng diện tích phần móng của cung điện cũng đã rộng tới gần 60 ngàn mét vuông. Một tòa kiến trúc quy mô như vậy, với trình độ lao động, sản xuất thời bấy giờ, về căn bản là không có cách nào thực hiện được. Hơn nữa, từ thời Tần Thủy Hoàng cho tới Tần Nhị Thế và Tần Vương Tử Anh, toàn bộ các hoạt động của triều Tần đều diễn ra tại cung Hàm Dương hoặc Vọng Di cung. Sử sách chưa bao giờ có ghi chép bất cứ hoạt động nào của triều Tần diễn ra ở cung A Phòng. Điều này đương nhiên không thể không có lý do.

Thứ ba, căn cứ duy nhất cho sự tồn tại của cung A Phòng cho tới nay vẫn chỉ là những ghi chép bằng văn tự chứ chưa phát hiện được những chứng cớ chắc chắn. Nếu như cung điện đã được xây dựng, thì dù có bị thiêu rụi chăng nữa, cũng phải để lại một tầng dày khoảng 1m gạch và ngói vụn. Trường hợp này thấy rất rõ ở cung Hàm Dương. Tuy nhiên, ở di chỉ cung A Phòng, người ta lại không hề thấy điều đó.

Vì vậy, các nhà khảo cổ cho rằng bài phú của Đỗ Mục có thể là do nhà thơ họ Đỗ căn cứ vào những cung điện thời mình sống rồi tưởng tượng, hư cấu và miêu tả nên chứ không phải dựa trên một căn cứ xác thực nào cả. Như vậy, có thể khẳng định rằng, thực tế, cung A Phòng chưa bao giờ được xây dựng, hoặc có thể đã được bắt tay vào xây dựng nhưng chưa bao giờ hoàn thành với quy mô và sự hoành tráng như sử sách ghi chép. Và đương nhiên, cũng vì thế, cung A Phòng chưa bao giờ bị đốt như những gì người ta thường nói. Người đời sau đều gán cho Hạng Vũ tội danh “đốt cung A Phòng” có lẽ đã hàm oan cho vị Tây Sở Bá Vương lừng lẫy một thời này.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Phan An

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.