Nóng lại đề xuất hoa sen là quốc hoa
Trong phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) ngày 26/6, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề nghị cần có cơ quan có thẩm quyền chính thức phê duyệt hoa sen là quốc hoa và áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam. Đây không phải là yêu cầu mới, bởi từ năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức bầu chọn quốc hoa và hoa sen đã nhận được 81% số phiếu ủng hộ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, việc công nhận chính thức hoa sen là quốc hoa vẫn chưa thể được thực hiện do thiếu cơ sở pháp lý. Cụ thể, từ năm 2011, Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa, trong đó hoa sen được đề xuất.
Tuy nhiên, khi trình các cấp lại vướng mắc ở chỗ "ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký". Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền vì không có quy định cụ thể.
Bên cạnh việc chọn quốc hoa, Bộ VHTTDL cũng đã nghiên cứu và đề xuất nhận diện lễ phục, quốc phục của Việt Nam là bộ áo quần có tính chất đặc trưng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải dừng lại do thiếu cơ sở pháp lý.
Trước những vướng mắc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý, có thể giao cho một địa phương hay bộ, ngành đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận.
Trước một số băn khoăn về việc hoa sen cũng là quốc hoa của Ấn Độ, một số chuyên gia cho rằng điều đó không đáng ngại. Bởi trên thế giới có nhiều nước chọn cùng một loại hoa làm quốc hoa.
Trùng lặp nhiều nhất là hoa lan và hoa hồng. Các nước Anh, Ả-rập Xê-út, Syria, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Iraq, Iran, Rumania, Luxembourg, Maroc đều chọn hoa hồng. Hàn Quốc, Malaysia và Sudan cùng chọn hoa dâm bụt. Pakistan và Philippines cùng chọn hoa nhài, Haiti và Bờ Biển Ngà cùng chọn hoa dừa...
Lựa chọn quốc hoa, liệu có cần thiết?
Việc lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam vẫn đang diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi một số người cho rằng đây là một sự lựa chọn phù hợp, thì những người khác lại lo ngại về những nhạy cảm liên quan.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vương Xuân Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật cho rằng, hoa sen đã ăn sâu vào tiềm thức, văn hóa và đời sống của người dân Việt Nam từ rất lâu đời. Nó được tái hiện trong nhiều di sản kiến trúc cổ như Liên hoa đài, Khuê Văn các và tam quan chùa chiền.
Ông Vương Xuân Nguyên khẳng định: "Việc công nhận hoa sen là quốc hoa không quan trọng bằng việc thay đổi thái độ, hành vi và làm cụ thể tinh thần ấy".
Ông Nguyên lưu ý rằng việc công nhận hoa sen là quốc hoa cũng có nhiều nhạy cảm. Hoa sen đã được nhiều quốc gia khác công nhận trước, và nó cũng gắn liền với Phật giáo, trong khi Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo.
Hơn nữa, hoa sen đã được công nhận là biểu tượng văn hóa quan trọng của Việt Nam thông qua di sản Chùa Một Cột (Liên hoa đài). Vậy tại sao lại cần phải công nhận thêm trên phương diện hành chính?
Ông cho rằng, thay vì tập trung vào việc chính thức công nhận, ông đề xuất các biện pháp khác nhằm đưa hoa sen trở thành một biểu tượng văn hóa quốc gia mạnh mẽ hơn.
Một trong những đề xuất của ông Nguyên là tăng cường tuyên truyền, tổ chức các lễ hội hoa sen như "Lễ hội Hoa Sen 2024" diễn ra vừa qua (12/7 - 16/7) nhằm chào đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ. Lễ hội cũng giới thiệu nhiều ẩm thực phong phú khác từ sen vừa qua nhằm tôn vinh và quảng bá giá trị của hoa sen trong văn hóa Việt Nam.
Ông cũng đề nghị khai thác cây sen để trở thành một giá trị đa ngành, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy các ngành phụ trợ khác như kết nối nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.
"Thay vì thủ tục hành chính là công nhận hoa sen, chúng ta cần có những lễ hội, việc làm phát triển kinh tế sen, làm sao để sen trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia," ông Nguyên nhấn mạnh.
Một quan điểm khác biệt khác đến từ TS. Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia tư vấn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Tiến sĩ, việc lựa chọn quốc hoa không phải là cần thiết đối với Việt Nam, bởi nước ta rất đa dạng về sản vật.
"Một loài hoa đơn lẻ sẽ không thể nói lên được sự phong phú, đa dạng của các sản vật Việt Nam. Hoa sen, cho dù đẹp và mang ý nghĩa tâm linh, vẫn chưa chắc đã là sản vật tinh túy nhất của đất nước", bà Oanh chia sẻ.
Thay vì lựa chọn quốc hoa, TS. Ngô Kiều Oanh cho rằng hình ảnh đẹp nhất, biểu tượng đặc trưng của Việt Nam nên là hình ảnh người nông dân ôm bó lúa trên tay, cười rạng rỡ dưới cánh đồng vàng.
Bà Oanh nói: "Hình ảnh này thể hiện được sự phong phú, đa dạng của nông nghiệp Việt Nam, và có thể được nhìn thấy khắp nơi trên đất nước. Điều này hợp lý hơn so với việc lựa chọn một loài hoa đơn lẻ làm quốc hoa".
Từ những lập luận trên, TS. Ngô Kiều Oanh kết luận rằng Việt Nam không cần thiết phải lựa chọn quốc hoa. Thay vào đó, việc tôn vinh hình ảnh người nông dân và sự đa dạng của nông nghiệp Việt Nam sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ý kiến của bà Oanh vẫn chưa được sự đồng thuận rộng rãi. Một số chuyên gia và người dân vẫn cho rằng việc lựa chọn quốc hoa sẽ giúp tăng cường tính thống nhất, ý chí quốc gia và nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam.