Học sinh phải học 8 môn bắt buộc, 4 môn tự chọn
Theo Sức khỏe & Đời sống, chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Cụ thể trong đó, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.
Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Riêng môn Nghệ thuật, hiện nay, phần lớn các trường THPT chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.
Từ năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức áp dụng đối với bậc THPT. Về lý thuyết, học sinh được chọn các môn học cho tổ hợp. Nhưng thực tế, các trường THPT xây dựng sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Việc xây dựng tổ hợp này phụ thuộc vào tình hình thực tế của nhà trường cũng như nhân sự hiện có.
Ghi nhận của Tiền Phong, thời điểm này, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xây dựng 4 tổ hợp gồm các môn học bắt buộc và môn học tự chọn để học sinh có thời gian tìm hiểu. Cụ thể, tổ hợp 1 gồm: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Công nghệ; Tổ hợp 2 gồm: Hoá học, Sinh học, Giáo dục kinh tế - pháp luật, Tin học; Tổ hợp 3 gồm: Vật lý, Hoá học, Địa lý, Tin học; Tổ hợp 4 gồm: Địa lý, Vật lý, Mỹ Thuật, Âm nhạc. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, trước đó, nhà trường tư vấn cho học sinh hiểu rõ các tổ hợp để có lựa chọn.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cũng nói, dù quy định học sinh chọn 4 trong 9 môn tự chọn nhưng nhà trường phải căn cứ tình hình thực tế của đội ngũ, giáo viên để xây dựng các tổ hợp. Việc này dẫn đến các trường xây dựng tổ hợp không giống trường khác. Riêng Trường THPT Đại Cường có 2 tổ hợp tự nhiên và 2 tổ hợp xã hội. Sau khi trúng tuyển, nhập học, học sinh sẽ được tư vấn để lựa chọn các lớp học phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. “Riêng môn Âm nhạc, Mỹ thuật hiện nay trường thiếu giáo viên, chưa có biên chế nên sẽ không đưa môn này vào các tổ hợp”, ông nói.
Phụ huynh, học sinh gặp khó
Theo Tiền Phong, năm đầu tiên áp dụng, sau một thời gian ngắn, một số học sinh đã nhận ra mình lựa chọn sai và có nguyện vọng đổi tổ hợp nhưng việc này vấp phải khó khăn vì Bộ GD&ĐT quy định, đến hết năm học mới được đổi tổ hợp và học sinh phải tự bổ sung kiến thức khuyết thiếu.
“Để tránh việc học sinh chọn sai, trong năm học tới, ngoài việc công khai thông tin sớm, tư vấn cho phụ huynh, học sinh, các em vẫn có thể học thử, đổi nguyện vọng trong vòng 1 - 2 tuần đầu, khi chưa có điểm số trong hệ thống. Ngược lại, nếu học sinh đã lựa chọn và học đến giữa học kỳ, có các bài kiểm tra sẽ khó khăn khi chuyển lớp”, ông Quyền nói.
Ở khối trường ngoài công lập, PGS.TS Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), cho rằng, việc đổi mới chương trình, cho học sinh lựa chọn tổ hợp gây ra những rắc rối không đáng có. Ví dụ năm ngoái, học sinh muốn đổi sang tổ hợp khác hoặc chuyển trường đến nay đều gặp khó khăn, chưa thể thực hiện do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý. “Nhà trường đang kiến nghị Sở GD&ĐT cho học sinh có nhu cầu chuyển trường. Khi đến trường mới, các em thiếu kiến thức môn học nào, nhà trường sẽ bố trí giáo viên dạy bù trong hè và các ngày cuối tuần”, ông nói.
Ông Thống cho rằng, nhiều em ngay từ sớm khó có thể biết được sẽ theo học ngành gì, trường học nào. Do đó, đến lớp 11, thậm chí đầu lớp 12 mới quyết định là bình thường. Theo ông, quy định như hiện nay là cứng nhắc và gây khó khăn cho học sinh. Nhà trường hạn chế học sinh chọn sai bằng cách định hướng môn học sở trường, định hướng nghề nghiệp từ sớm, tuy nhiên nếu chọn sai vẫn tạo điều kiện, bố trí giáo viên dạy bù kiến thức cho các được đổi. Tuy nhiên, ở khối trường công lập, việc thực hiện sẽ khó khăn hơn. Đa số học sinh né tổ hợp có các môn Lý, Hoá vì khó và dần dần các trường ĐH sẽ thiếu sinh viên theo các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, ông cảnh báo.
Cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống về vấn đề này, ThS. Đặng Thị Huyền Trang, giảng viên Trường chuyên KHXH&NV cho rằng, khi bước vào lớp 10, học sinh lựa chọn tổ hợp môn đôi khi bản thân các em học sinh chưa có sự định hướng rõ ràng. Mỗi tổ hợp môn dự kiến sẽ gắn liền với khối thi đại học, chính vì vậy học sinh khi lựa chọn nguyện vọng cần suy nghĩ, tính toán thật kỹ các yếu tố năng lực, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT.
"Việc học ở lớp 10 giống như một sự trải nghiệm và xem năng lực tiếp nhận của mình đến đâu nên việc chuyển đổi có ưu điểm, đó là giúp các em học sinh nhận thức khả năng của mình theo môn học đó như thế nào".
Còn thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, theo lý thuyết thì học sinh có thể chọn bất kỳ tổ hợp nào nhưng thực tế theo năng lực của các trường hiện nay cho thấy rằng một trường chỉ có khoảng 3-5 tổ hợp bởi các trường sẽ phải căn cứ dựa trên năng lực của nhà trường. Do đó chắc chắn sẽ có sự vênh nhau giữa nhu cầu học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường".
Dành lời khuyên cho các em học sinh chuẩn bị bước vào cấp học THPT trong thời điểm này, cô Nguyễn Ngọc Lan, giáo viên lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp rất quan trọng vì sẽ gắn bó với học sinh suốt 3 năm bậc THPT. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Hơn nữa, không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng có thể đáp ứng.
Cô Lan cho biết, việc các em học sinh lựa chọn tổ hợp môn học là chọn cho bản thân chứ không phải chọn theo số đông hay trào lưu. Do vậy, các em cần tìm hiểu kỹ để có lựa chọn cho bước đường tương lai của mình từ đó có định hướng nghề nghiệp hiệu quả nhất sau khi ra trường.
Theo Tiền Phong, đối với vấn đề chuyển đổi môn học lựa chọn, tháng 1, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, trong đó khẳng định việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học và phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới để đủ năng lực học tiếp môn học mới. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở năm học tiếp theo.
Các nhà quản lý cơ sở giáo dục nói rằng, quy định trên rất mở vì nhà trường sẽ không phải sắp xếp bao nhiêu tiết học/môn cho học sinh đổi tổ hợp. Tuy nhiên, học sinh sẽ phải đi học thêm, tự bù đắp kiến thức cũng rất khó khăn.
Minh Hoa (t/h)