Tạp chí Envirotec (Anh) đưa tin, một báo cáo gần đây của Viện Môi trường Stockholm (SEI) đã mang lại những đánh giá có tính hệ thống và định lượng về các rủi ro khí hậu xuyên biên giới trong giao dịch 6 mặt hàng nông nghiệp chính, bao gồm: Ngô, lúa gạo, lúa mì, đậu tương, mía đường và cà phê.
Thông qua những phát hiện có trong báo cáo, SEI nhận định rằng các rủi ro khí hậu xuyên biên giới tạo thành một thách thức toàn cầu nghiêm trọng.
Theo báo cáo, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống Lương thực của Liên Hợp Quốc (UN Food Systems Summit) và các cuộc đàm phán sắp tới về biến đổi khí hậu (COP26) phải thừa nhận các mối liên hệ quan trọng giữa biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thương mại, đồng thời hành động để xây dựng khả năng chống chịu có hệ thống đối với các tác động khí hậu thông qua hợp tác đa phương.
Nông nghiệp chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu
Báo cáo của SEI, có tựa đề “Biến đổi khí hậu, thương mại và an ninh lương thực toàn cầu”, là một bản đánh giá toàn cầu về các rủi ro khí hậu xuyên biên giới trong các dòng chảy hàng hóa nông nghiệp.
Báo cáo tiết lộ chi tiết những quốc gia nào phải chịu rủi ro khí hậu xuyên biên giới thông qua thương mại nông nghiệp và những quốc gia nào là nguồn rủi ro quan trọng.
Kết quả cho thấy tất cả các quốc gia đều phải chịu rủi ro khí hậu xuyên biên giới, bất kể trình độ phát triển, sức mạnh hay độ giàu có. Các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ đều có nguy cơ chịu các rủi ro khí hậu xuyên biên giới thông qua nhập khẩu hàng hóa và có thể là những nguồn rủi ro chính cho những nước khác phụ thuộc vào xuất khẩu của họ để đảm bảo an ninh lương thực.
Trước đây, việc giải quyết các rủi ro khí hậu được cho là một thách thức đối với các nước đang phát triển và việc lập kế hoạch thích ứng thường được tiến hành ở cấp quốc gia, khu vực hoặc địa phương. Thì nay, báo cáo chỉ ra rằng khung thích ứng này đã lỗi thời và không đủ để đạt được Mục tiêu Toàn cầu về Thích ứng của Thỏa thuận Paris.
“Đạt được an ninh lương thực toàn cầu về cơ bản có liên quan đến hành động vì khí hậu”, Kevin M. Adams, tác giả chính của báo cáo, cho biết.
“Khi biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, các quốc gia có thể vô tình nhập khẩu hoặc xuất khẩu những rủi ro đó cho các đối tác thương mại của họ do thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng liên kết các quốc gia và cộng đồng lại với nhau”, Adams giải thích.
Theo báo cáo, Mỹ, Trung Quốc và Brazil là những nguồn gây rủi ro khí hậu đáng kể cho các thị trường hàng hóa toàn cầu. Điều này gây ra vấn đề cho các nhà nhập khẩu phụ thuộc vào hoạt động thương mại đó để đảm bảo an ninh lương thực hoặc các hoạt động kinh tế khác.
Ví dụ, các quốc gia Trung Mỹ, Mỹ Latinh và Caribe phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Mỹ, trong khi các quốc gia châu Á và châu Phi nhập khẩu nhiều thực phẩm từ Trung Quốc.
Các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia nhỏ có độ hội nhập toàn cầu cao như Singapore và Thụy Điển cũng đặc biệt dễ bị tổn thương.
“Các quốc gia, công ty và cộng đồng không có đủ tầm nhìn về mức độ phơi nhiễm của họ đối với các rủi ro khí hậu xuyên biên giới”, Magnus Benzie, đồng tác giả và nghiên cứu viên tại SEI cho biết.
“Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia và công ty phải làm việc cùng nhau xuyên biên giới để cải thiện khả năng chống chịu với khí hậu cho tất cả mọi người. Có các cơ hội cho các hiệp định thương mại tự do, và theo các quy định của WTO, để giải quyết các rủi ro khí hậu xuyên biên giới, và tất cả các đánh giá thích ứng cần phải bao gồm những rủi ro này”.
Biến đổi khí hậu thúc đẩy rủi ro hệ thống và sẽ xảy ra ở mọi nơi cùng một lúc. Do đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau thông qua các thể chế và quy trình đa phương để đạt được mục tiêu cùng có lợi về khả năng chống chịu có hệ thống trên thị trường nông sản toàn cầu.
Những phát hiện chính trên các mặt hàng
Báo cáo đánh giá khả năng rủi ro trong tương lai dựa trên mô hình thương mại nông sản quốc tế hiện tại, không bao gồm các tác động đến từ những thay đổi trong mô hình thương mại, cải tiến công nghệ hoặc ảnh hưởng của những thay đổi trong giá cả hàng hóa.
Báo cáo gợi ý rằng các khoản đầu tư phối hợp để xây dựng khả năng phục hồi của các nhà sản xuất nông nghiệp chủ chốt có thể là một chiến lược thích ứng quan trọng mang lại lợi ích chung cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Phương pháp này loại trừ các hiện tượng thời tiết cực đoan, có nghĩa là các kết quả có thể là một ước tính thận trọng về mức độ rủi ro hệ thống tổng thể.
Trong số 6 mặt hàng chính được đánh giá, lúa gạo, mía đường và cà phê là đáng chú ý nhất.
Cụ thể, báo cáo cho thấy sản lượng lúa gạo có thể giảm khoảng 8,1% trong dài hạn, với tỉ lệ rủi ro trên cơ hội là 6:1.
Rủi ro khí hậu trên thị trường lúa gạo dường như tập trung về mặt địa lý ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Về mặt song phương, các mối quan hệ thương mại rủi ro chủ yếu bắt nguồn từ Thái Lan hoặc Mỹ. Mỹ được cho là nguồn rủi ro chính đối với Honduras, El Salvador, Guatemala và Mexico, trong khi Thái Lan xuất khẩu gạo sang nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu.
Đối với mía đường - mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong số sáu mặt hàng tính theo khối lượng - phải đối mặt với thiệt hại năng suất tổng thể lớn nhất do biến đổi khí hậu với mức giảm ước tính trên toàn cầu là 58,5%. Tỉ lệ rủi ro trên cơ hội là khoảng 25:1.
Cả rủi ro và cơ hội tăng trưởng đều tập trung ở Nam Bán cầu, với Brazil, Thái Lan, Ấn Độ, Cuba và Trung Quốc - những nước trồng mía đường lớn - có khả năng gây rủi ro đáng kể cho thị trường mía đường toàn cầu trong bối cảnh ấm lên toàn cầu.
Với mặt hàng cà phê, cả cà phê Arabica và cà phê Robusta đều chịu rủi ro rất lớn do biến đổi khí hậu, với rất ít mức tăng sản lượng cà phê được dự đoán trong bối cảnh ấm lên toàn cầu. Kết quả cho thấy sản lượng Arabica có thể giảm 45,2% với tỉ lệ rủi ro trên cơ hội là 1560:1. Con số tương đương của Robusta là 23,5% và 336772:1.
Trên thị trường Arabica, Brazil cho đến nay là nguồn cung rủi ro khí hậu xuyên biên giới quan trọng nhất. Trong khi đó, trên thị trường Robusta, vai trò này được chia đều giữa Việt Nam, Brazil và Indonesia.
Minh Đức (Theo Envirotec Magazine)