Lừa sư trụ trì chùa hơn 2 tỷ đồng, “nữ quái” U60 nhận kết đắng

Lừa sư trụ trì chùa hơn 2 tỷ đồng, “nữ quái” U60 nhận kết đắng

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 3, 23/03/2021 19:44

“Nổ” có quan hệ với lãnh đạo cấp cao, có khả năng xin được kinh phí xây chùa, “nữ quái” U60 cả gan lừa cả sư trụ trì để rồi lĩnh án tù thích đáng.

Ngày 23/3, TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thị Yến (SN 1953, trú tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Đỗ Văn Vững (SN 1953, trú tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Hồ sơ điều tra - Lừa sư trụ trì chùa hơn 2 tỷ đồng, “nữ quái” U60 nhận kết đắng

Các bị cáo được ngồi trả lời thẩm vấn do sức khỏe yếu.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng: Khoảng cuối tháng 04/2018, Nguyễn Thị Yến dự buổi liên hoan tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội), qua đó quen biết với Đỗ Văn Vững và được Vững rủ về cùng hợp tác làm việc tại công ty cổ phần thương mại dịch vụ thương binh và bệnh binh Trường Sơn.

Nói thêm, công ty Trường Sơn được Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp giấy phép thành lập lần đầu ngày 19/6/2015; có địa chỉ trụ sở tại thông Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đỗ Văn Vững giữ chức vụ Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Công ty hoạt động không có vốn góp nhà nước.

Quá trình về làm việc cùng Vững, Yến và Vững đã tự giới thiệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật về bản thân Yến với các thành viên sinh hoạt tại công ty rằng mình có mối quan hệ rất rộng với các đồng chí là lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Chưa hết, Yến còn “nổ” có khả năng xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kinh phí để xây dựng tôn tạo các chùa để lừa đảo lấy tiền của mọi người.

Do tin tưởng, nên trong năm 2018, nhiều bị hại đã bị Yến lừa, “tiền mất tật mang”. Tổng số tiền Yến chiếm đoạt của các bị hại là hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong đó, vào đầu năm 2018, ông Nguyễn Hữu Long (SN 1960, ở Thạch Thất, Hà Nội) sửa nhà tại thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội và thuê Vững trông coi công trình xây dựng.

Đến tháng 05/2018, sau khi Yến tham gia công ty Trường Sơn thì Vững và Yến giới thiệu với ông Long về việc Yến có nhiều mối quan hệ xã hội rất rộng nên có khả năng xin được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thời gian này, do ông Long có nhu cầu xin cấp GCNQSDĐ tại mảnh đất ở thôn Đình nên đã nhờ Yến làm giúp. Yến đồng ý và nhận chi phí làm giúp là 40 triệu đồng (có giấy biên nhận).

Thời điểm nhận tiền của ông Long, Yến chắc như đinh đóng cột rằng, số tiền trên là để mua quà biếu và nộp hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, hẹn một tuần sau sẽ có.

Thế nhưng, chờ mãi, sau đó khoảng 2, 3 tuần, chưa thấy GCNQSDĐ đâu, gia đình ông Long lại nhận được yêu cầu từ Yến là tiếp tục đưa thêm 80 triệu đồng, nhưng ông Long không đồng ý đưa thêm.

Còn 40 triệu đồng nhận của ông Long trước đó, Yến và Vững đã chiếm đoạt rồi sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Đến nay, gia đình ông Long vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ như Yến đã hứa hẹn.

Vụ thứ hai, khoảng tháng 05/2018, ông Vũ Văn Hùng (SN 1945, trú tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) biết chùa An Sáo (là chùa của thôn Yên Nội) do bà Đỗ Thị Mận trụ trì đang xây dựng, cần kinh phí.

Khi được Yến và Vững giới thiệu về khả nặng xin kinh phí nên ông Hùng đã giới thiệu Yến, Vững với bà Mận.

Khi gặp sư thầy trụ trù, Yến giới thiệu là cháu ruột của một lãnh đạo cấp cao, hiện đang công tác tại quỹ tu bổ Đền Hùng, đã xin được kinh phí xây dựng cho một số chùa; đồng thời các bị cáo hứa hẹn sẽ xin cho chùa An Sáo được cấp giấy chứng nhận di tích lịch sử và số tiền 20 tỷ đồng làm kinh phí xây dựng, tôn tạo chùa.

Đổi lại, bà Mận phải đồng ý với điều kiện các bị cáo đưa ra đó là chi tiền để đi quan hệ và trích lại một phần kinh phí cho công ty Trường Sơn, bà Mận đồng ý.

Sau đó, Yến và Vững nhiều lần đến gặp bà Mận để nhận tiền. Tổng số tiền bà Mận đưa cho Yến là 2 tỷ 82 triệu đồng, các bị cáo sử dụng cá nhân hết. Đến nay, bà Mận vẫn chưa nhận được kinh phí xây dựng chùa như Yến đã hứa hẹn.

Cũng với thủ đoạn trên, trong vòng chưa đầy 6 tháng, Yến và Vững đã thực hiện 05 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 2,8 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, song bị cáo cho rằng bản thân không hề có ý thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại mà là đang “làm phúc”, giúp các bị hại giải quyết nhanh công việc.

Vậy nhưng, quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo Yến mới “lòi” ra cái đuôi, mặc dù có ý thức giúp đỡ các người bị hại, nhưng thực tế bị cáo không hề có tác động hay thực hiện bất kỳ công việc gì để giúp họ xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin kinh phí xây dựng chùa, xin cho chùa An Sáo được cấp giấy chứng nhận là di tích lịch sử hay thực hiện các công việc khác như các bị cáo hứa hẹn.

Số tiền chiếm đoạt được, Yến khai dùng để “nuôi công ty”, ví dụ như trả lương cho nhân viên trong công ty, chi phí tàu xe đi lại, tiền ăn... và chi tiêu cá nhân hết.

Nguyện vọng chung của các bị hại là đề nghị các bị cáo hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt; về hình phạt, họ đề nghị tòa xử theo quy định pháp luật.

Xét thấy hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thị Yến 14 năm tù và Đỗ Văn Vững 11 năm tù.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.