Điều đáng nói là có những doanh nghiệp ở tận miền Bắc, miền Trung cũng được cấp phép thu gom xử lý CTNH tại Đồng Nai. Vì thế, không riêng Đồng Nai mà các tỉnh khác cũng khó quản lý chặt CTNH.
* Chỉ nắm được đầu nguồn
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.200 sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH với khối lượng gần 130 tấn/ngày. Số lượng thu gom, xử lý đạt trên 85%. Song thực tế, CTNH đa số được đưa ra ngoài tỉnh nên quá trình vận chuyển, xử lý không kiểm tra được.
Khu mỏ đá xã Hóa An (TP. Biên Hòa) thường xuyên bị đổ trộm chất thải nguy hại. Trong năm 2012, lực lượng chức năng Biên Hòa đã bắt 8 vụ đổ trộm chất thải
Theo quy định của bộ tài nguyên - môi trường, các chủ nguồn thải phải giám sát quá trình vận chuyển, xử lý chất thải của mình, nếu xảy ra vi phạm, chủ nguồn thải cũng chịu trách nhiệm. “Trước khi ký hợp đồng để xử lý CTNH của công ty, tôi kiểm tra giấy phép của họ và đến trực tiếp công ty này xem nơi xử lý có đảm bảo không. Còn quá trình doanh nghiệp này vận chuyển chất thải, chúng tôi không có đủ người để giám sát” - anh Nguyễn Mậu Xuân, quản lý sản xuất tại công ty TNHH công nghệ hóa chất Haein ở khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành), nói.
Một số công ty khác có CTNH cũng cho hay, dù biết quy định là phải giám sát quá trình vận chuyển, xử lý CTNH, nhưng hầu hết không làm được việc này. Ông Hoàng Văn Thống, chánh thanh tra sở tài nguyên - môi trường nhận định: “Đa số chủ nguồn thải chỉ giám sát bằng cách làm biên bản giao CTNH về số lượng, sau đó yêu cầu nơi tiếp nhận xử lý cuối cùng xác nhận xem có nhận đủ hay không”. Một số cơ sở xử lý CTNH đã lợi dụng kẽ hở này, khi vận chuyển chất thải ra ngoài tỉnh đã phân loại, một số đem đi tái chế, còn một số mang đi đổ trộm để giảm bớt chi phí xử lý. TP. Biên Hòa là một trong những “nạn nhân” của nhiều vụ đổ trộm CTNH, như ở Long Bình Tân, xã Tân Hạnh, Hóa An... đã bị cơ quan chức năng phát hiện trong năm 2012.
* Sẽ có giá sàn
Ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở đang thu gom, xử lý CTNH. Trong đó, tỉnh cấp phép 3 cơ sở, còn lại 17 cơ sở do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép. Do CTNH phần lớn vận chuyển ra ngoài tỉnh xử lý nên không theo dõi được xử lý đạt hay chưa”.
Chất thải nguy hại đổ trộm tại phường Long Bình (TP. Biên Hòa).
Đại diện của công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch, chia sẻ: “Hiện nay, mỗi cơ sở xử lý CTNH chào một giá, có nơi giá rất thấp, có nơi giá rất cao. Về phía công ty, do hàng ngày phát sinh lượng CTNH lớn nên sẽ chọn nơi giá xử lý rẻ để giảm chi phí”. Song đại diện công ty này cũng tỏ ra lo lắng và mong muốn tỉnh sớm ban hành giá sàn xử lý CTNH và tên các doanh nghiệp có uy tín để dễ dàng chọn lựa, tránh trường hợp chịu liên đới khi ký phải hợp đồng với các cơ sở thu gom, xử lý làm ăn không đàng hoàng.
Mới đây tại cuộc họp với 24 công ty có số lượng CTNH lớn ở Đồng Nai, phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh lưu ý, CTNH bị đổ trộm ra môi trường hoặc đưa vào tái chế gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng cả hiện tại lẫn tương lai. Vì thế, các doanh nghiệp có CTNH nên quản lý chặt, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Về phía tỉnh, sẽ nhanh chóng ban hành mức giá tối thiểu trong xử lý CTNH và công bố rộng rãi danh sách các cơ sở đủ điều kiện xử lý. Đồng thời, bà Thanh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thật nghiêm các cơ sở không có chức năng vẫn thu gom xử lý CTNH. |
Ông Nguyễn Mạnh Văn, phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp đề xuất: “Nên sớm ban hành mức giá tối thiểu trong thu gom xử lý CTNH để các doanh nghiệp đề phòng với những đơn vị xử lý chào hàng với giá quá rẻ”. Ông Văn nhấn mạnh, CTNH cho mang qua tỉnh khác xử lý rất bất hợp lý. Để quản lý chặt, nên tổ chức đoàn và mời cả các doanh nghiệp là chủ nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh tham quan các đơn vị xử lý để chọn lựa cơ sở thu gom, xử lý cho phù hợp và đảm bảo.
Theo Báo Đồng Nai