Malaga, Atletico Madrid hay Sporting Lisbon là những cái tên đáng chú ý lọt vào danh sách đen. Những CLB này đều giành được ít nhiều vinh quang trên sân cỏ thời gian qua, nhưng lại không có được thành công tương tự trong lĩnh vực kinh tế.
Để tăng cường lực lượng, họ đã vung tay quá trán và tích đủ số nợ khiến UEFA phải áp dụng hình phạt theo luật Công bằng tài chính đang gây nhiều tranh cãi.
Luật Công bằng tài chính chỉ có lợi cho đội bóng lớn
Cách đây ít ngày, Jose Mourinho từng tuyên bố: Luật Công bằng tài chính chỉ đào sâu thêm khoảng cách giữa các đội bóng. Thật vậy, chế tài này dựa trên việc cân bằng thu - chi, hay nói cách khác khoản đầu tư của một đội bóng không được vượt quá phần lợi nhuận thu về.
Nghe qua thì tưởng đây là một chính sách hợp lý, nhưng không! Bộ luật này chẳng khác nào chặn đường phát triển của các CLB nhỏ, vì doanh thu nhỏ nhoi sẽ không cho phép họ bổ sung lực lượng để cạnh tranh với những ông lớn.
Kết quả: Người giàu thì vẫn giàu, vẫn mạnh, vẫn thống trị; người nghèo thì muôn đời thấp cổ bé họng, tồn tại ngoi ngóp.
Tương lai xa xôi khoan hãy bàn, nhưng những thứ sờ sờ trước mặt thì lẽ nào UEFA lại ngoảnh mặt làm ngơ như thế? Nếu tra xét một cách minh bạch ở thời điểm hiện tại, một loạt các đại gia ở châu Âu có thể rơi vào vòng lao lý. Manchester United dù ăn nên làm ra mỗi năm nhưng vẫn gánh trên vai khoản nợ 308 triệu bảng Anh, Man City liên tục thâm hụt ngân sách nhưng vẫn trút cả tấn tiền vào chuyển nhượng. Real, Barca, Milan, Inter, Bayern, PSG tất cả đều gặp rắc rối về tài chính. Vậy tại sao, họ chưa bị sờ gáy?
Rất đơn giản, họ giàu. Giàu về tiền bạc (không kể những khoản nợ), giàu về danh tiếng và giàu cả về truyền thống. Champions League chẳng làm sao nếu thiếu Rubin Kazan hay Dinamo Bucarest (hai đội bóng bị UEFA cảnh báo), nhưng sẽ là một thảm họa khi những Chúa chổm được nhắc tên ở trên vắng mặt.
Thái Diệp