Luật Công nghiệp công nghệ số tạo động lực phát triển kinh tế số

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 5, 26/12/2024 18:18

Luật Công nghiệp công nghệ số tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. 

Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động. 

Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Luật Công nghiệp công nghệ số tạo động lực phát triển kinh tế số- Ảnh 1.

Góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. 

Luật Công nghiệp công nghệ số hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngày 30/11/2024, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại…

Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện ngành công nghiệp công nghệ số như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số, Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Những điểm mới của Luật Công nghiệp công nghệ số

Trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn. 

Dự thảo Luật quy định Chương "Công nghiệp bán dẫn" thay cho "vi mạch bán dẫn" nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Luật dự thảo nguyên tắc quản lý và phát triển AI. AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.

Luật Công nghiệp công nghệ số tạo động lực phát triển kinh tế số- Ảnh 2.

Tài sản số, tài sản mã hóa, tài sản số là tài sản vô hình.

Tài sản số, tài sản mã hóa, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.

Nguyên tắc quản lý: quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.

Giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Cơ chế thử nghiệm: là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Nguyên tắc thử nghiệm: Tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm; thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới. 

Có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm; bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, bình đẳng; giám sát chặt chẽ, thường xuyên (tăng cường chuyển đổi số, giám sát online); 

Có cơ chế quản lý dữ liệu thử nghiệm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân; (vi) kết quả thử nghiệm là cơ sở để xem xét, quyết định đưa vào ứng dụng chính thức và hoàn thiện pháp lý.

Cần những chính sách ưu đãi vượt trội

Về chính sách ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số: Quy định ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số: ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao… 

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.

Song song với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.