Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên tới ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (ngày 01/8/2024).
Đẩy nhanh tiến độ đưa Luật Đất đai vào thực tiễn
Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh bày tỏ Luật Đất đai và các luật khác có hiệu lực từ 1/8 được kỳ vọng sẽ giải quyết tốt nhiều tồn đọng về đất đai.
Vị lãnh đạo nhận định người dân, doanh nghiệp đang rất mong chờ, nếu thực hiện tốt việc triển khai tổ chức thực hiện, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn sẽ giải quyết tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá về việc Chính phủ có động thái rút ngắn thời gian áp dụng Luật vào cuộc sống, trao đổi với Người Đưa Tin, Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ hiện nay đã là thời điểm chín muồi để đưa luật vào thực tiễn bởi thị trường BĐS đang ghi nhận có rất nhiều điểm nghẽn cần ngay lập tức tháo gỡ.
Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các dự án BĐS buộc phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế mới được bán hoặc cho thuê.
Theo đó, thị trường BĐS sau khi có bệ đỡ từ chính sách sẽ được thanh lọc, lựa chọn ra những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh sẽ dẫn dắt thị trường cho các giai đoạn sau này.
Đặc biệt việc sửa đổi Luật Đất đai có mục đích căn cốt là để sửa đổi những bất cập, không hợp lý cũng như bổ sung những quy định cấp thiết từ thực tiễn để giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như thị trường BĐS.
Đồng thời thỏa mãn những mong muốn cụ thể của các tầng lớp dân cư và tuân theo Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam.
"Điều này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề thực tế mà còn tạo ra một cơ sở vững chắc để đất đai trở thành một nguồn lực thực sự trong phát triển kinh tế xã hội. Khi luật đã được thông qua thì nên đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt", ông Thịnh nêu.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng kỳ vọng Luật Đất đai 2024 sau khi đi vào thực tiễn sẽ giúp lấy lại niềm tin đối với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường sớm phục hồi.
Doanh nghiệp kỳ vọng đơn giản hoá thủ tục hành chính
Từ phía doanh nghiệp, công bố báo cáo về tình hình kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) nêu quan điểm 3 luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tháo gỡ phần lớn các vướng mắc pháp lý của dự án.
Bên cạnh đó, với việc các yếu tố vĩ mô diễn biến thuận lợi cùng nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ và các địa phương, thị trường BĐS thời gian tới dự báo sẽ có chuyển biến tích cực rõ nét.
Đồng quan điểm với Vinhomes, chia sẻ cùng Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest cho rằng các doanh nghiệp luôn mong muốn Luật Đất đai cũng như các luật liên quan đến thị trường BĐS được sớm đưa vào thực thi.
Nguyên do bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp BĐS nói riêng, các doanh nghiệp tại các ngành nghề liên quan khác nói chung đều gặp rất nhiều vướng mắc trong vấn đề đầu tư, phát triển bất động sản bởi bộ luật cũ tồn đọng nhiều hạn chế, chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau.
Bởi vậy nếu Luật Đất đai được thực thi sớm sẽ vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, qua đó trực tiếp quyết định tới sự hồi phục của cả thị trường BĐS.
Ông Hiệp cũng nêu quan điểm toàn thị trường đều mang trong mình tâm thế "chờ đợi" để xem với hành lang pháp lý mới, thị trường BĐS sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào.
"Đặc biệt, đối với người dân, họ rất quan tâm đến vấn đề giá nhà đất trong tương lai sẽ ra sao dưới bệ đỡ chính sách mới, thị trường BĐS phát triển đi lên hay xuống. Tôi cho rằng việc áp dụng Luật Đất đai sẽ giúp chi phối, điều tiết hướng phát triển của thị trường BĐS", ông Hiệp nêu.
Là chủ doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào thị trường BĐS, ông Hiệp cho biết điều mà các doanh nghiệp quan tâm nhất bây giờ là Luật mới có giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính hay không.
Bởi trên thực tế vướng mắc pháp lý do thủ tục hành chính quá rườm rà, nhiều quy định chưa rõ ràng, trách nhiệm phê duyệt của các cấp quản lý chưa rõ ràng, đùn đẩy giữa các bên… khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, khiến việc triển khai các dự án bị trì trệ.
Cần lưu ý các nguy cơ phát sinh mâu thuẫn khi triển khai
Dù đặt nhiều kỳ vọng vào các bộ luật sửa đổi có liên quan đến BĐS sẽ thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều hướng tốt nhưng một số chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về việc thị trường sẽ "thẩm thấu" chính sách như thế nào.
Phân tích tổng quan về tác động của việc Luật Đất đai sẽ đi vào thực tiễn, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nêu 2 tác động rõ nét nhất có thể xảy ra là là giá đất sẽ tăng trưởng một cách bền vững và nguồn cung BĐS sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên để có thể trông thấy thị trường xuất hiện các hiện tượng trên thì ông Tuấn cho rằng cần thời gian để Luật có "độ trễ" dao động trong khoảng từ 8-12 tháng cho Luật thẩm thấu và thực thi.
"Không nên quá kỳ vọng việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi này sẽ khiến cho thị trường phục hồi ngay lập tức. Đó cũng là lý do Quốc hội thông qua sớm, để từ đây đến năm 2025, các bên tham gia thị trường cùng thảo luận, lĩnh hội và chuẩn bị phương án thích nghi, áp dụng", ông Tuấn nêu.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, cần lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn trên thị trường nếu các quy định mới, các văn bản dưới Luật không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật, hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể.
Do đó cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, đầy đủ để các Luật đi vào thực tế một cách mượt mà ngay khi chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh đó cần có giải pháp về công tác tuyên truyền đầy đủ để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới.
Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả thực thi của các đạo luật mới, tích cực tiếp nhận thông tin phản hồi từ các thành phần tham gia vào thị trường để đảm bảo có sự điều chỉnh kịp thời chp phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, hiện nay một trong những điểm nghẽn lớn nhất trên thị trường BĐS có liên quan đến Luật Đất đai.
Do đó, với những sửa đổi luật rất tích cực vừa qua, nếu sớm được nửa năm đưa vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ổn định về xã hội, lợi ích cho người dân.
Tuy nhiên, để có thể trình Quốc hội xem xét thay đổi hiệu lực thi hành sớm hơn với luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng bên cạnh tinh thần, trách nhiệm thì điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng.
Trong đó, các nghị định, thông tư, văn bản phải đảm bảo phản ánh trung thành được tinh thần của Luật Đất đai, giúp triển khai một cách đồng bộ, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chỗ này, chỗ kia.
Đồng thời, qua đó phải tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận đất đai, vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai cũng như liên quan đời sống người dân.
"Rõ ràng việc rút ngắn thời gian rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng không thể nhân nhượng và đây sẽ là điều để Quốc hội đưa ra quyết định", ông Lộc nêu.
Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, từ 1/8 Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024 chính thức có hiệu lực.
Để đáp ứng các điều kiện khi triển khai thi hành luật thì văn bản dưới luật cũng phải xong và có hiệu lực từ 1/8, tránh để "khoảng trống" pháp lý. Yêu cầu đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của các luật này rất cấp bách với tinh thần sớm ngày nào tốt ngày đó.
Trước áp lực đó, Bộ Xây dựng đã tham gia, tập trung xây dựng 5 nghị định, 2 thông tư và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật.
Các dự thảo văn bản nay cơ bản đã hoàn thiện và trình lại Chính phủ sau khi cuộc họp lần cuối, tinh thần trong tháng 7/2024 sẽ hoàn tất.