Nỗ lực đưa Luật Đất đai năm 2024 vào thực tiễn
Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam.
Để Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để người dân nắm rõ những thay đổi và quy định mới.
Theo đó, Phòng Tư pháp huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã biên soạn, in ấn và phối hợp các ngành chức năng trên địa bàn phát 7.200 tờ rơi về "Một số quy định của Luật Đất đai năm 2024" đến tận tay người dân. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật đất đai năm 2024 đến cộng đồng.
Từ ngày 5/7 đến ngày 31/8, Hội Đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024. Có tổng số 17.072 lượt người đăng ký tài khoản tham gia thi với 26.685 lượt thi.
Mới đây, ngày 9/10, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi tập huấn điểm về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại xã Cư Mlan (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai quán triệt, tuyên truyền Luật Đất đai cho đội ngũ cán bộ, công chức, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật...
Bước tiến rõ rệt trong luật đất đai mới
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển của thị trường, đặc biệt là du lịch trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển.
Do đó, để kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến đất đai trong hoạt động phục vụ cho du lịch kết hợp nông nghiệp, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định thêm một số điều về nội dung sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
Đó là tiền đề để khai thác triệt để tất cả các loại đất đai, các loại quỹ đất cho bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
Đối với quy định về tích tụ ruộng đất nhằm phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, luật sư Tòng chia sẻ: "Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về hoạt động tích tụ ruộng đất. Quy định hoạt động tích tụ ruột đất nhằm sản xuất lớn nông nghiệp, hướng tới mục tiêu cơ giới hóa, giảm sức người trong việc sản xuất.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn một số bất cập. Cho nên, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định một cách chính xác, rõ ràng hơn về việc tích tụ ruộng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nông nghiệp lớn, hướng đến sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, nhằm nâng cao sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, hoạt động cây trồng. Đồng thời, hoạt động chế biến sau thu hoạch và hoạt động xuất khẩu cũng được đảm bảo hơn.
Luật sư Tòng nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 đã giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất đai, nhằm phát huy triệt để mọi nguồn lực của đất đai, sao cho không để lãng phí bất kỳ tấc đất nào.
Đây là bước tiến rất rõ rệt trong Luật Đất đai mới năm nay. Từ đó, người dân và nhà nước đều có thể thu được lợi ích, đồng thời người hưởng lợi cũng là người nông dân.
"Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, người không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp vẫn được phép nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Bây giờ, không phải người nông dân mới làm lúa mà những người không làm nông nghiệp nhưng có kiến thức về mặt nông nghiệp, có nguồn lực, có phương tiện... thì cũng có thể tham gia sản xuất được.
Ngược lại, người nông dân không chỉ suốt ngày bám trên đồng ruộng, "bán lưng cho đất bán mặt cho trời" mà có thể sử dụng hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho du lịch trên chính đồng ruộng của mình", luật sư Tòng nói.
Ngoài ra, các quy định trong luật đất đai mới cũng đã giúp hạn chế các hành vi về đầu cơ đất nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản đối với đất nông nghiệp. Từ đó, những người có nhu cầu thực sự có thể nhận chuyển nhượng và những người không còn nhu cầu sử dụng nữa có thể chuyển nhượng một cách tích cực. Qua đó, góp phần phát triển các nguồn lực của đất đai.
Ngày 14/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh khẩn trương lập thủ tục gia hạn sử dụng đất đến khi hết thời hạn sử dụng đất. Sở đề nghị các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tự rà soát thời gian sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đã hết thời hạn sử dụng đất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thu hồi đất thì liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để lập thủ tục gia hạn sử dụng đất theo quy định nêu trên; trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất được quy định tại Điều 64 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP. Hết thời hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất không làm thủ tục gia hạn sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định.
Khánh Ngọc