Sáng nay (28/2), hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực nông-lâm-ngư-nghiệp đã được diễn ra tại Đại học Lâm nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung kiến nghị các vấn đề liên quan đền quyền sử dụng đất, thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất, quy định thu hồi đất và những khó khăn của người dân liên quan đến quy định của pháp luật. Hầu hết, các ý kiến đều cho rằng các hoạt động này hiện nay rất phức tạp, gây khó khăn đặc biệt ở các địa phương.
Làm rõ vai trò đại diện chủ sở hữu đất
Nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu TS.Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng cần sửa lại Điều 14 trong luật theo hướng tách rõ 2 vai trò (vai trò quản lý xã hội và đại diện chủ sở hữu).
Vai trò đại diện chủ sở hữu thì luật chỉ nên quy định quyền định đoạt việc thu tiền sử dụng đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể khi thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Về thực hiện quyền quyền đại diện chủ sở hữu (Điều 15) chỉ giao cho cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân (Quốc hội, HĐND) thì hợp hơn. Các quyền năng thuộc vai trò quản lý xã hội (có thể quy định là quyền quản lý hành chính nước) thì giao cho Chính phủ và UBND các cấp.
Ngoài ra, tại Điều 155, 156 quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của HĐND. Như vậy, theo chuyên gia Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, HĐND (cơ quan đại diện cho dân) quyết định?
Từ đó, TS.Nguyễn Bá Long cho rằng, thành phần hội đồng thẩm định giá đất phải có đại diện của HĐND. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan, cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.
Cần sửa đổi nhiều bộ luật liên quan tránh mâu thuẫn
Là cơ quan tham gia và có ảnh hưởng trực tiếp, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng đưa ra quan điểm Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động đến 7 luật chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi. Theo đó 7 dự án luật kể trên có thể phải điều chỉnh khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
“Nhận thấy được điều này chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị rà soát đề xuất các nội dung sửa đổi cho phù hợp và đến nay đã có những điều chỉnh. Tuy nhiên, còn 2 nội dung chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị sửa đổi trong thời gian tới”, bà Hiên bày tỏ.
Đại diện Vụ Pháp chế cho biết Điều 184 hiện nay quy định việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển rất mở, linh hoạt. Đặc biệt, quy định đất bãi bồi ven sông, ven biển được nhà nước cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê để thực hiện mọi dự án đầu tư, không giới hạn về quy mô, điều kiện gì.
Tuy nhiên, Điều 26 Luật Đê điều đã quy định rất chặt chẽ, hạn chế việc sử dụng đất bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao nơi chưa có công trình xây dựng chỉ được xây dựng một số loại công trình, đối với dự án đầu tư cũng rất hạn chế, chỉ dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được phép thực hiện.
Như vậy, nếu theo quy định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang mâu thuẫn với Luật Đê điều, sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương sẽ cấp phép cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình, dự án trên bãi sông, không giới hạn về quy mô điều kiện mà các cơ quan quản lý nhà nước về đê điều không thể kiểm soát, gây mất an toàn phòng chống lũ của tuyến sông có đê.
Ngoài ra, đại diện Vụ pháp chế cho rằng cần làm rõ nội dung tại Điều 172 và Điều 176 liên quan đến vấn đề diện tích sản xuất đất nông nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp phép để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các luật chuyên ngành. Việc sửa luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật.
Đưa ra quan điểm của mình, ThS.Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Đặc biệt hiện nay chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.
Ông Tiến cho rằng thị trường quyền sử dụng đất hiện nay chưa phát triển chưa ổn định, tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp đánh giá hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học của trường tham góp những ý kiến giá trị đồng thời cũng giúp họ cập nhật thêm những vấn đề mới để giảng dạy cho sinh viên.
Việc trường đại học góp phần xây dựng chính sách là điều nên làm, là trách nhiệm của trường nhất là khi Đại học Lâm Nghiệp có tiềm năng có sứ mệnh để tham gia vào việc đóng góp hoàn thiện Luật quản lý đất đai khi có các chuyên gia, các nhà khoa học, viện nghiên cứu về vấn đề xây dựng chính sách pháp luật cũng như thực tiễn triển khai các công việc liên quan đến luật.