Mới đây, một số nhà làm phim trẻ đã tổ chức một số buổi tọa đàm trực tuyến nhằm góp ý cho Luật Điện ảnh sửa đổi với sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất (NSX) như Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Hồng Ánh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn...
Sau khi chia sẻ về thực tiễn, kinh nghiệm trong chặng đường làm phim, các đạo diễn, NSX đưa ra nhiều kiến nghị về những điều, khoản của Luật Điện ảnh sửa đổi. Họ mong muốn luật sẽ "nới lỏng", tạo điều kiện thúc đẩy ngành nghệ thuật thứ 7 phát triển và hội nhập với thế giới.
Tại buổi tọa đàm, NSX Trần Bích Ngọc kiến nghị Luật Điện ảnh sửa đổi nên đơn giản hóa thủ tục thẩm định cấp phép, cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản. Đây sẽ là bước tháo gỡ nút thắt đầu tiên quan trọng, giúp điện ảnh Việt chủ động hơn trong việc hội nhập, hấp dẫn các đoàn phim quốc tế.
"Những năm gần đây, nhiều dự án phim tìm đến Việt Nam để lấy bối cảnh, sản xuất và hợp tác. Đây là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa, du lịch, hình ảnh đất nước với thế giới. Đồng thời, khi có cơ hội làm việc trong đoàn phim chuyên nghiệp quốc tế, tính kỷ luật cao cùng chuẩn mực mới sẽ giúp đội ngũ trong nước nâng cao chuyên môn một cách nhanh và hiệu quả. Tuy vậy, từ sau hiện tượng đoàn phim Kong: Skull Island đến quay ở Việt Nam, đến nay chưa có dự án nào đủ lớn", NSX Trần Bích Ngọc trao đổi.
NSX Trần Bích Ngọc viện dẫn tại Thái Lan, tổng doanh thu năm 2019 là 150 triệu USD cho các phim dịch vụ quốc tế. Ở Hungary ghi nhận doanh thu 323 triệu USD vào năm 2018, trong đó có 94% thuộc về hợp tác quốc tế.
NSX Bích Ngọc cho biết thêm: "Nhiều đoàn phim quốc tế khi vào khảo sát ở Việt Nam đều lo lắng khâu thẩm định kịch bản. Dù rất muốn quay ở Việt Nam song họ đều quyết định dời qua nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines vì vấn đề cơ chế, chính sách. Ở Việt Nam, việc phải trình kịch bản thẩm định là nỗi sợ hãi chung của các đoàn phim. Nhất là trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, kịch bản vốn là tài sản mang tính bảo mật cao của các studio. Vấn đề khiến các đoàn làm phim quốc tế sợ là chính sách và cơ chế của Việt Nam".
Từ những khó khăn trong quá trình phát hành phim Vị, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đề xuất cần có thêm mức độ phân loại độ tuổi. Cụ thể, anh cho rằng cần tạo thêm một hoặc vài phân loại độ tuổi cao hơn T18 (phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên - PV) hiện có trong điều 33 của dự thảo.
"Phân loại độ tuổi là một công cụ văn minh và đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Việt Nam nên vận dụng nó sao cho hiệu quả cao nhất", anh đưa ý kiến.
Một số nhà làm phim khác cũng cho rằng, Cục Điện ảnh cần đơn giản thủ tục cấp phép phổ biến phim để các nhà sản xuất "dễ thở" hơn khi làm nghệ thuật ở Việt Nam.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) cho hay: "Tôi cũng có biết thông tin về toạ đàm trực tuyến này và có có lắng nghe ý kiến của các nhà làm phim. Chúng tôi luôn cố gắng nghiên cứu, tiếp thu các quan điểm từ nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, tất nhiên là phải hợp lý và đúng quy định của pháp luật.
Luật Điện ảnh có từ năm 2006, và tính đến nay là đã 15 năm và có đến hơn 100 bộ phim được sản xuất, cấp phép ra rạp. Các nhà làm phim đều dựa vào Luật để làm việc và chỉ vài ba dự án xảy ra vấn đề ngoài mong muốn. Luật là phải có quy định cấm để tạo ra hành lang pháp lý giúp các nhà làm phim biết được làm gì và giới hạn tới đâu trong sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, không thể bỏ các điều cấm trong Luật Điện ảnh sửa đổi.
Tất cả điều, khoản trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đều đã được nhắc đến trong Luật Điện ảnh 2006 chứ không phải bây giờ mới soạn thảo để gây khó cho nhà sản xuất, nghệ sĩ. Luật Điện ảnh sửa đổi đang cố gắng cụ thể ra những thứ đã có, hoàn toàn không phải là điều mới".
"Có ý kiến cho rằng, nên bỏ việc thẩm định kịch bản nhưng trên thực tế, một số kịch bản của phim hợp tác gặp phải vấn đề phản ánh không đúng về chính trị, an ninh, sai sự kiện lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Nếu không có hoạt động thẩm định kịch bản sẽ phát sinh nhiều vấn đề, bộ phim vi phạm pháp luật của nước ta. Đối với những nhà làm Luật, họ nhìn ở góc độ toàn diện, làm sao để cân bằng giữa việc phát triển điện ảnh đi liền với chính trị, kinh tế...", vị Cục trưởng nêu quan điểm.
"Đa số các nhà làm phim đều thấy rằng, việc cấp phép phổ biến phim đều đơn giản. Chỉ có một số cho rằng, việc cấp phép rườm rà nhiều thủ tục, đó là ý kiến cá nhân. Luật Điện ảnh đang được xây dựng và chúng tôi vẫn lắng nghe những ý kiến của các nhà làm phim, đó là những ý kiến xây dựng, thiện chí làm cho Luật Điện ảnh sửa đổi được hoàn thiện hơn", ông Vi Kiến Thành cho biết.
Đạo diễn Ngọc Tuấn cũng cho hay: "Bản thân tôi thấy những quy định của Luật điện ảnh từ trước đến nay cũng hỗ trợ tối đa cho các nhà làm phim, nếu Luật Điện ảnh tới đây được thông qua thì sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho chúng tôi. Vẫn biết là những nhà làm phim vẫn có ý kiến nọ kia, nhưng chúng ta đang sống và làm việc ở Việt Nam thì phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Một số phim bị "tuýt còi" là do vi phạm một số quy định về thuần phong mỹ tục, về văn hoá Việt Nam. Nhiều phim khi thẩm định, Hội đồng đã phải yêu cầu đoàn phim sửa lại kịch bản cho phù hợp hơn. Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ là Barie để các đạo diễn, các nhà làm phim đi đúng hướng".
Nhà làm phim Hoài Phương thì bộc bạch: "Trong những năm qua, Điện ảnh Việt Nam ghi nhận những bộ phim gây ấn tượng như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mặt biếc, Bố già... phim đều là những nhà sản xuất Việt Nam làm từ A-Z, kịch bản cũng rất Việt Nam. Những bộ phim này nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Hội đồng duyệt phim, của Cục Điện ảnh... Những ý kiến góp ý cho Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được ghi nhận, nếu hợp lý sẽ được các cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi...".