Chiều 23/10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023.
Mặc dù đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển bền vững trong lĩnh vực điện lực. Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Điện lực để kịp thời khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với những chính sách lớn bao gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
“Do nhu cầu cần thiết và cấp bách, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực trong thời gian sớm nhất để khắc phục những vướng mắc bất cập trong thực tiễn thi hành. Góp phần quan trọng vào mục tiêu an ninh năng lượng trong giai đoạn trước mắt là đến năm 2030”, ông Hòa nhấn mạnh.
Đồng thời tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trong Luật Điện lực (sửa đổi), những nội dung như tiết kiệm điện, chuyển dịch năng lượng, môi trường… không đề cập nhiều vì bên cạnh Luật Điện lực thì có rất nhiều luật khác. Luật Điện lực chỉ tập trung vào câu chuyện về điện.
“Bộ Công Thương cũng đã rất là băn khoăn, cũng rất muốn làm sao bổ sung nhiều những cái nội dung các luật khác đưa vào Luật Điện lực để rõ ràng, tức là liên quan thành một chỉnh thể thống nhất. Tuy nhiên, theo thể chế luật pháp, mỗi một luật sẽ tập trung vào nội dung khác nhau và các luật sẽ đan xen giao thoa”, ông Tân nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho biết hiện nay Chính phủ mong muốn nội dung quy định càng chi tiết càng tốt, để tăng tính khả thi và đồng bộ trong việc thực thi Luật.
“Luật Điện lực có rất nhiều nội dung mới về năng lượng tái tạo, năng lượng mới mà chưa có nhiều kinh nghiệm đòi hỏi cần sự linh hoạt trong điều hành cùng với đó là công nghệ kỹ thuật cao”, Thứ trưởng cho biết.
Thanh Loan