Luật Dữ liệu: Đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư?

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 08/11/2024 15:42

Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm bí mật đời sống riêng tư và cân nhắc quy định liên quan đến vấn đề này.

Công khai bí mật đời sống riêng tư khi nào?

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Góp ý tại nghị trường, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị làm rõ khái niệm bí mật đời sống riêng tư và cân nhắc quy định liên quan đến vấn đề này khi cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

Ông cho biết, về công khai dữ liệu, dự luật quy định dữ liệu được công khai có điều kiện gồm dữ liệu liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật đời sống cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý. Bên cạnh đó, dữ liệu liên quan đến bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên trong gia đình đồng ý.

Đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư, đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư.

Luật Dữ liệu: Đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư?- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu đoàn Vĩnh Phúc, hiện nay, pháp luật hiện hành chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Cụ thể, Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do vậy, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát vấn đề này để đảm bảo thống nhất với Hiến pháp và quy định hiện hành.

Luật Dữ liệu: Đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư?- Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Media Quốc hội).

Cũng thảo luận về quy định này trong dự luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết quy định trên cần thiết, giúp bảo đảm dữ liệu được đưa ra sử dụng rộng rãi, ứng dụng hiệu quả và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ hơn sự khác biệt giữa nội dung điều này với việc tích hợp thông tin cá nhân với các thông tin thuộc về tổ chức, cá nhân phải giữ bí mật.

Đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng luật, khi được làm rõ các vấn đề sẽ tạo sự đồng thuận trong tổ chức và cá nhân cũng như nhân dân để ủng hộ và thực thi tốt hơn khi luật được ban hành.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sử dụng tài liệu, chủ thể dữ liệu, đại biểu đề nghị quy định rõ đối tượng dữ liệu mở cần phải được công khai để tổ chức, cơ quan, cá nhân thuận lợi khi tiếp cận, khai thác và sử dụng.

Bà Phúc cho rằng cần phải có quy định rõ những nội dung hạn chế quyền tiếp cận và đối tượng phải thực hiện các mức độ tiếp cận tương ứng với các nội dung để đảm bảo tính tương thích và hạn chế các quyền tiếp cận.

Bên cạnh đó, bà Phúc cũng đề nghị tiếp tục rà soát và chỉnh lý tại dự thảo luật cho phù hợp, đối với các nội dung cụ thể nên chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính tương thích giữa Luật Dữ liệu và Luật Tiếp cận thông tin trong mối tương quan giữa các quy định về công khai dữ liệu.

Theo đại biểu Phúc, các nội dung như hình thức công khai dữ liệu, thời điểm công khai dữ liệu, các nội dung liên quan và các nội dung chi tiết khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định.

Tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi

Tham gia thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) chỉ ra bản thân ông trong thời gian vừa qua cũng nhiều lần bị gọi điện để lừa đảo, đe dọa.

"Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ những thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa rất nhiều lần, kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua ứng dụng cho gia đình ba mẹ tôi, họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài", ông Sinh nói.

Luật Dữ liệu: Đề nghị làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư?- Ảnh 3.

Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Sinh cho rằng, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia.

Do đó, về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, đại biểu An Giang đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai.

"Hiện nay, tội phạm cũng đang phát triển để thích nghi nhằm đạt được mục đích là phạm tội, rõ nhất là trong thời gian vừa qua thì tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi", đại biểu nhấn mạnh.

Tại khoản 10 Điều 9 trong dự luật quy định "các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật", đại biểu đánh giá, quy định như vậy còn chung chung, bởi vì pháp luật thì nhiều, gần như luật nào của chúng ta cũng đều có điều khoản để nghiêm cấm.

Do đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ rất kịp thời cập nhật các thủ đoạn phạm tội mới phát sinh và sẽ có những chế tài phù hợp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.