Xung quanh việc 3 ngày tới sẽ là những phiên chất vấn các Bộ trưởng, bên hành lang Quốc hội chiều 29/10, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho biết, bà và cử tri đặc biệt quan tâm tới một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai.
“Chúng tôi mong tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, giải trình trước Quốc hội về những lời hứa của Bộ trưởng trước đây đối với Quốc hội, ĐBQH và cử tri cả nước. Bộ trưởng có giải pháp gì về quản lý đất đai, đặc biệt là quản lý đất công, đất giao cho các doanh nghiệp Nhà nước thuê. Vừa qua có rất nhiều bất cập và gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Nhiều địa phương, vấn đề xử lý đất đai đã gây sự xáo trộn, bức xúc của cử tri. Tôi mong muốn, Bộ trưởng giải trình rõ về những biện pháp thời gian qua đã làm và đã mang lại kết quả hữu hiệu chưa? Đối với các ĐBQH, chúng tôi cũng thấy cần phải giám sát tiếp vấn đề này trong thời gian tới”, vị Đại biểu Quốc hội đoàn An Giang nói.
Ngoài ra, cũng theo bà Ánh Tuyết: “Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, chúng tôi quan tâm đến vấn đề thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước. Mặc dù nhận thấy Chính phủ cũng rất quyết tâm nhưng tại sao đến thời điểm này vẫn chậm. Chúng tôi mong muốn phía Chính phủ báo cáo trước ĐBQH và cử tri cả nước để có giải pháp giúp thoái vốn tích cực hơn, hiệu quả hơn”.
Nhìn nhận về nội dung chất vấn tại kỳ họp này, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, phương thức chất vấn lời hứa của các thành viên Chính phủ rất hay.
Ông Sinh nêu: “Phiên chất vấn kỳ trước là chọn chủ đề. Một số thành viên Chính phủ, các ngành được chọn, thậm chí là chọn chủ đề, cũng có mặt hay, tích cực. Nhưng, tôi cho là phiên chất vấn kỳ này hay hơn. Bởi vì, một lĩnh vực không phải của chỉ bộ, ngành đó, mà liên quan tới các bộ, ngành khác. Phiên chất vấn này đặt ra những lần chất vấn từ kỳ họp đầu tiên đến nay, nhiều vấn đề của cử tri, Đại biểu Quốc hội đặt ra. Các tư lệnh ngành đã giải quyết như thế nào”.
Cũng theo ĐBQH Đỗ Văn Sinh, đây là phiên chất vấn một cách tổng thể những vấn đề bức xúc, từ đầu nhiệm kỳ đến giờ. Một số vấn đề các bộ, ngành có thể giải quyết được nhưng không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian để giải quyết tiệm cận hơn.
Về chuyển động từ các nội dung phiên chất vấn trước, Đại biểu đoàn Quảng Trị cho hay: “Sự chuyển động rõ nhất là giải quyết những việc bức xúc xảy ra trong đời sống xã hội, phải giải quyết thỏa đáng cho người dân. Đầu tiên phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ rất tích cực đề xuất với Quốc hội, để hoàn chính hệ thống pháp luật trong tất cả các mặt, từ cải thiện môi trường kinh doanh đến an ninh quốc phòng, đời sống xã hội”.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: “Xã hội rất quan tâm đến giáo dục. Hiện, Quốc hội đang xem xét 2 dự án luật là luật Giáo dục và luật Giáo dục Đại học. Về luật Giáo dục, Quốc hội sẽ để lại, chưa thông qua vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, Quốc hội cho rằng, phải lấy ý kiến nhân dân chứ không chỉ ý kiến cử tri và Đại biểu Quốc hội. Vấn đề này rất lớn, tồn tại trong nhiều năm, nên rất cần thận trọng”.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Sinh chia sẻ, nhiều vấn đề được triển khai trong thực tiễn từ phản ánh của cử tri, từ chất vấn của đại biểu Quốc hội mà mang lại hiệu quả cao hơn, như ngành y tế hiện nay rõ ràng được cải thiện một bước.
“Tuy nhiên, việc chống ùn tắc ở bệnh viện tuyến trên. Bây giờ vẫn còn ùn tắc tuyến Trung ương thì phải xem xét một cách đồng bộ. Các tuyến địa phương cơ sở vật chất thì rất thiếu, yếu. Do đó, chúng ta cần tăng mạnh đầu tư bệnh viện tuyến cơ sở để người dân yên tâm khám chữa bệnh ngay ở đó…”, ông Sinh nói thêm.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh nhìn nhận về cách tranh luận tại nghị trường, ông cho rằng, cách thức mới hỏi 1 phút, trả lời 3 phút sẽ tổ chức tốt hơn, diện chất vấn rộng hơn. Sự tranh luận giữa người chất vấn và người bị chất vấn, thậm chí người chất vấn rất là cao. Điều này sẽ nâng cao được trình độ về kiến thức, lẫn nội dung đưa ra thảo luận.