Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt vấn đề tại sao tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá mới vẫn tăng cao dù các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực phòng chống. Đáng nói, báo chí thời gian qua liên tục ghi nhận số ca ngộ độc ma túy khi sử dụng TLĐT lậu ngày càng leo thang.
Cho đến nay, các sản phẩm thuốc là làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) vẫn trong tình trạng ngoài vòng kiểm soát. Trên thực tế, dù cấm hay chưa có hàng rào pháp lý, cả hai biện pháp này đều không phải là giải pháp đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng tại nhiều quốc gia về việc ngăn chặn tình trạng thị trường chợ đen tiếp cận giới trẻ, cùng nhiều hệ lụy xã hội khác.
Thái Lan: Có thể bãi bỏ lệnh cấm sau 10 năm không hiệu quả
Từ 2015 đến nay, Thái Lan áp đặt lệnh cấm lưu hành TLĐT, từ nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo đến sử dụng. Nước này đưa ra khung phạt rất cao, từ phạt tiền đến phạt tù (5-10 năm) nếu vi phạm. Dù áp đặt nghiêm lệnh, tỉ lệ giới trẻ Thái Lan dùng TLĐT vẫn không ngừng leo thang. Thậm chí, việc sử dụng các sản phẩm này phổ biến đến mức nhiều du khách lầm tưởng Thái Lan cho phép TLĐT.
Từ năm 2015 - 2023, Thái Lan ghi nhận tỉ lệ sử dụng TLĐT ở độ tuổi 13-15 tăng gấp 5 lần (từ 3,3% lên 17,6%). Suốt gần một thập kỷ cấm TLĐT, bên cạnh việc gia tăng tỉ lệ sử dụng trong giới trẻ, Thái Lan còn phải đối diện với tình trạng tội phạm buôn lậu ma túy núp bóng tinh dầu TLĐT tương tự tại Việt Nam hiện nay.
Do đó, chính phủ Thái Lan đang đánh giá lại tính hiệu quả thực sự của chính sách cấm thuốc lá mới. Quý III/2023, Quốc hội nước này đã thành lập Ủy ban Đặc biệt cho công tác này. Sau khi rà soát, đánh giá, đến tháng 6/2024, Ủy ban này đã đề xuất 3 chính sách quản lý nhằm giải quyết các hệ lụy hiện nay.
Thứ nhất: Sửa đổi thêm một loạt các luật và quy định liên quan để siết chặt hơn nữa lệnh cấm TLĐT và hình sự hóa hành vi sử dụng, sở hữu, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng này.
Thứ hai: Chính thức hợp pháp hóa TLLN thông qua việc cập nhật các thông tư, chỉ thị của Bộ Thương mại và Văn phòng Bảo vệ Người tiêu dùng. Thứ ba: Quản lý cả TLLN và TLĐT dưới danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện và được kiểm soát chặt chẽ.
Ủy ban cũng đồng thời nhấn mạnh hoàn toàn không có sự can thiệp chính trị của tổ chức hay cá nhân nào đối với đề xuất chính sách này. Các phương án đều được xây dựng trên tinh thần bảo vệ giới trẻ và sức khỏe cộng đồng. Sắp tới Quốc hội Thái Lan sẽ sớm phê duyệt phương án theo đề xuất trên.
Trong một diễn biến khác, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng thừa nhận, ngay cả nước có năng lực quản lý và thực thi lệnh cấm như Úc cũng không thể chặn đứng tỉ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT lậu.
Theo báo cáo của bang Nam Úc, năm 2023 có hơn 15% người 15-19 tuổi đang hút TLĐT, tăng gấp đôi năm 2022. Đến 90% trong số 1,7 triệu người Úc đang dùng TLĐT nhập lậu.
Do đó mới đây, Úc đã quyết định nới lỏng luật kiểm soát TLĐT. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Úc Mark Butler, kể từ tháng 10/2024, người dùng có thể trực tiếp mua TLĐT tại nhà thuốc, thay vì theo dự luật ban đầu của chính phủ là phải được bác sĩ kê đơn.
Đối với TLLN, đại đa số các quốc gia trên toàn cầu đã thiết lập luật riêng hoặc nghiễm nhiên quản lý sản phẩm này theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành, theo thống kê của WHO.
Việt Nam cần ứng xử thế nào với thuốc lá thế hệ mới?
Dù được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2017, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa thiết lập hành lang pháp lý cho TLLN, TLĐT.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế đã ghi nhận tỉ lệ sử dụng TLĐT ở thanh thiếu niên tăng đến 4,5% từ năm 2022 - 2023. Tương tự Thái Lan, các cơ quan chức năng báo cáo thường xuyên về các ca ngộ độc chất cấm pha lẫn trong tinh dầu của TLĐT lậu.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục kiến nghị nhiều phương án để kiểm soát thuốc lá mới bằng luật: Cho phép lưu hành chính thức hoặc thí điểm; hợp pháp hóa cả 2 loại TLLN và TLĐT; hoặc chỉ cho phép riêng TLLN (vì phù hợp với định nghĩa thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá – PCTHTL) và giao cho Bộ Y tế nghiên cứu chính sách cho TLĐT về sau.
Có thể thấy, Thái Lan và Việt Nam hiện đang có nhiều điểm tương đồng trong các phương án đề xuất để quản lý TLLN, TLĐT. Tuy nhiên, để đi đến đề xuất gần đây, Thái Lan đã mất 10 năm “thử nghiệm” chính sách cấm nhưng không thành công. Hệ quả, chính sách này đã gián tiếp đẩy giới trẻ, người hút thuốc cho thị trường chợ đen thao túng, trong khi mục đích của lệnh cấm là ngăn chặn giới trẻ.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc đề xuất chính sách cần xem xét khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước. Trên tinh thần này, chính sách sắp tới đây đối với TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác cần cân nhắc lịch sử 10 năm cấm của Thái Lan để tránh đưa Việt Nam trở thành “Thái Lan thứ 2”.
Năm 2020, tỉ lệ hút thuốc lá điếu tại Việt Nam đã giảm 2% sau 7 năm thực hiện Luật PCTHTL. Đây là bằng chứng cho thấy Luật hiện hành là hành lang pháp lý vững chắc để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới cũng như các hệ lụy xã hội khác.
Trúc Nhân