Những “lỗ hổng” để kẻ gian lộng hành
Trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhận định: “Theo tôi, luật hóa quy định về hành vi quấy rối tình dục, dâm ô để giúp cho cơ quan thực thi pháp luật áp dụng một cách thống nhất và hiệu quả là cần thiết.
Tuy nhiên, trước hết, pháp luật cần phải quy định rõ các hành vi có biểu hiện dâm ô, hay quấy rối tình dục, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Đối tượng của những kẻ quấy rối tình dục thường là phụ nữ và trẻ em, nhưng cũng không loại trừ nam giới.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp là hành vi cố tình dâm ô đối với phụ nữ và trẻ em nhưng do pháp luật quy định không rõ, nên những đối tượng dễ dàng chối bỏ hành vi, không thừa nhận. So với luật pháp các nước trên thế giới, ở Việt Nam, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ ràng về mức độ những hành vi này. Chính điều đó cũng khiến nổ ra tranh cãi mỗi khi phát sinh những sự việc tương tự”.
“Như trường hợp thầy giáo có hành vi sờ soạng học sinh tại Bắc Giang, căn cứ theo quy định hiện hành, chưa có biểu hiện rõ ràng và vẫn chưa đủ mức độ để xác định hành vi dâm ô. Theo tôi, trong môi trường học đường mà thầy giáo sờ soạng học sinh, mặc dù chưa đến mức giao cấu nhưng cũng đã không thể chấp nhận được.
Phải quy định những hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật và nâng mức xử phạt lên, nếu không sẽ không hạn chế được các tệ nạn này. Chỉ vì chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật mà những hành vi tương tự cứ thế tiếp nối diễn ra.
Hay như vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy chung cư Golden Palm, bây giờ, một người đàn ông ra đường, tự nhiên nhìn thấy một cô gái rất xinh đẹp, quyến rũ, vô tư tiếp cận để véo má, sờ mông, cưỡng hôn thì có chấp nhận được không? Như thế phải là vi phạm rồi, phải xử lý mạnh hơn”, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng nhận định: “Chế tài xử phạt của pháp luật chúng ta còn đang quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ở các nước phát triển, hành vi quấy rối tình dục đã bị xử phạt hình sự và nộp phạt rất nặng. Ở Việt Nam, việc bảo vệ nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em được xã hội rất quan tâm nhưng pháp luật lại chưa có chế tài đủ mạnh để bảo vệ, nên gần như là “bất lực”, bỏ trống”.
“Luật pháp Mỹ quy định rất rõ các tội liên quan đến quấy rối tình dục, như hành vi động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 10.000 USD.
Ở Singapore, đối với những người có ý đồ cưỡng hiếp, có các hành vi thể hiện ý đồ cưỡng hiếp sẽ bị phạt tù từ 8 - 20 năm tù…”, ông dẫn chứng.
Luật hóa quy định để xử lý triệt để
ĐBQH Đỗ Thị Lan khẳng định: “Tôi ủng hộ việc luật hóa quy định về hành vi quấy rối tình dục, dâm ô… bởi đó thực sự là “ác mộng” đối với các nạn nhân. Việc luật hóa cũng giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng thống nhất”.
Bà cho biết thêm: “Hơn nữa, chế tài xử phạt hiện nay vẫn còn rất nhẹ, chưa nghiêm khắc và chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, phải quy định chịu trách nhiệm hành sự đối với những trường hợp hành vi cố tình dâm ô, quấy rối tình dục để răn đe, làm gương, giảm và ngăn chặn những tệ nạn tương tự trong xã hội.
Quấy rối tình dục, dâm ô là hành vi nguy hiểm cho xã hội không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà cần phải bị trừng trị về pháp luật mới thỏa đáng. Hơn thế nữa, những hành vi đó là tiền đề để người phạm tội nảy sinh và thực hiện các hành vi xâm hại tình dục cao hơn, cần phải được sớm ngăn chặn”.
Theo bà, Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định nhưng chưa rõ về biểu hiện để xác định các hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Do đó, khi các cơ quan tư pháp muốn xử lý những vụ án, muốn đưa ra để xác minh điều tra, xử lý, lại không đủ căn cứ để định tội. Đồng thời, quy định mức xử phạt hành chính phải cao hơn mức xử phạt hiện nay thì mới đảm bảo được sức răn đe.
Bên cạnh đó, ĐBQH Đỗ Thị Lan cũng cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ nữ, trẻ em và các thành phần có liên quan biết được các quy định pháp luật để phòng, tránh đồng thời hạn chế các tệ nạn.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, pháp luật cần phải có một bản án cụ thể, thích đáng và nghiêm minh đối với những kẻ có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức, đảm bảo đủ sức răn đe, ngăn chặn những hiểm họa đối với xã hội, đặc biệt là để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Vị luật sư cũng cho biết thêm: “Hiện tại, rất cần có tiếng nói của hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất với Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Hình sự, để có cơ sở một cách đầy đủ và có những chế tài đủ mạnh để răn đe, để tránh “lọt” những trường hợp khiến dư luận bức xúc.
Đây cũng chính là biểu hiện trách nhiệm xã hội và phát sinh xã hội trong thực tiễn, khi xảy ra mọi người mới nhìn nhận và phát hiện ra những “lỗ hổng”. Tôi cho rằng đây là “kẽ hở” của pháp luật của chúng ta hiện nay, vẫn chưa đi sâu vào vấn đề này. Vì vậy, cần nâng cao hiểu biết pháp luật để ứng xử cho phù hợp và có quy định rõ ràng để có căn cứ xử lý nghiêm minh”.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tỏ, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, việc luật hóa quy định về hành vi quấy rối tình dục, dâm ô,… này là hướng tốt nhưng phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, tránh gây hiểu lầm. Vấn đề pháp luật phải có khái niệm, định nghĩa cụ thể, rõ ràng, nếu không dễ gây hiểu lầm, hành vi không “bật ra” được thì đưa vào luật sẽ rất khó, không dễ đưa vào thực hiện.