Luật Tố cáo (sửa đổi) được trình Quốc hội (QH) xem xét tới đây sẽ quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Theo ĐBQH Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, điều này sẽ có tác dụng ngăn ngừa tham nhũng, triệt tiêu tâm lý “hạ cánh an toàn”.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐB Trần Thị Dung để làm rõ về đề xuất thời sự này.
PV: Bà đánh giá ra sao về tầm quan trọng của đề xuất này trong dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) sắp được trình QH xem xét tới đây?
ĐBQH Trần Thị Dung: Thực tế thời gian vừa qua, chúng ta xử lý các trường hợp đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời kỳ họ đang là cán bộ lãnh đạo. Trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, ông Võ Kim Cự là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, về mặt pháp lý chưa có văn bản cụ thể nào trong luật quy định điều này. Vì thế, luật hóa việc quy trách nhiệm khi cán bộ công chức đã về hưu là điểm quan trọng để phòng ngừa tham nhũng - lĩnh vực lâu nay chúng ta cho rằng hiệu quả chưa cao.
Quy định xử lý những người đã nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác vẫn bị xử lý được đưa vào dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó có tác dụng ngăn chặn, răn đe với những người giữ chức vụ, thực thi nhiệm vụ. Công chức, viên chức phải luôn có ý thức không tham ô, tham nhũng khi thực hiện công vụ. Nếu có hành vi tiêu cực trong thời gian đảm nhận chức vụ, dù họ không bị phát hiện nhưng sau khi nghỉ hưu, chuyển công tác sẽ không có chuyện được loại trừ trách nhiệm với các vi phạm trong thời gian công tác.
Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này trong dự thảo luật. Nó buộc cán bộ phải tâm niệm một điều khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép.
PV: Dư luận đặt câu hỏi nếu được luật hóa điều này, việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ tranh thủ ký duyệt để tư lợi khi đã “hoàng hôn tàu vét” với tâm lý hạ cánh sẽ an toàn có chấm dứt, thưa bà?
ĐBQH Trần Thị Dung: Chúng ta đều hy vọng có nhiều biện pháp để đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng và đây là một biện pháp. Ai đó đừng nghĩ rằng nếu làm các việc sai trái lúc đương chức không bị phát hiện thì nghỉ hưu sẽ thoát, không ai làm được gì mình nữa. Chắc chắn, quy định này trong Luật sẽ làm cho những người thực thi công vụ cẩn trọng, không dám vi phạm, để không bất an khi “hạ cánh”.
PV: Như bà nói, cán bộ đã nghỉ hưu nếu phát hiện vi phạm khi còn giữ chức vụ vẫn bị xử lý là biện pháp tốt phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên dư luận mong muốn, chúng ta có thể phát hiện và xử lý vi phạm ngay khi họ còn đương chức. Luật Tố cáo (sửa đổi) có làm được điều này, thưa bà?
ĐBQH Trần Thị Dung: Chúng ta đang từng bước từ chỗ chưa cụ thể, chưa rõ ràng đến chỗ cụ thể, rõ ràng. Nếu không quy định, cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn bị xem xét nếu để xảy ra vi phạm, tham ô, tham nhũng thời kỳ còn đương chức thì họ sẽ giữ tâm lý không bị phát hiện lúc giữ chức vụ, về hưu sẽ “hạ cánh an toàn”. Nhưng bây giờ, nếu luật quy định cụ thể, ngay bản thân những người thực thi nhiệm vụ sẽ phải có ý thức chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Và dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) cũng làm rõ các hình thức tố cáo để tạo thuận lợi cho người dân, tăng hiệu quả công tác tố cáo.
PV: Bà có thể chia sẻ rõ hơn quan điểm về hình thức tố cáo được đề cập trong dự thảo luật Tố cáo qua Facebook có được coi là một kênh để xem xét không?
ĐBQH Trần Thị Dung: Vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết. Hai hình thức tố cáo cụ thể là trực tiếp và qua đơn. Hình thức trực tiếp có thể là lời nói như việc đến gặp trực tiếp hoặc trình bày qua điện thoại. Hình thức thứ hai là qua đơn thư. Đơn có thể ký tên đầy đủ gửi bằng mail, hay các phương tiện khác. Chính vì thế, không loại trừ việc phản ánh qua Facebook cá nhân. Dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) được Ủy ban Pháp luật thẩm tra cũng đã làm rõ và ghi nhận các vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Thơm - Lan