Trong khuôn khổ buổi làm việc về luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị đưa tài sản không rõ nguồn gốc ra giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến băn khoăn việc đưa tài sản không rõ nguồn gốc ra tòa sẽ giải quyết theo hướng nào. Liệu việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật PCTN ra ngoài Nhà nước có khả thi?
Trước những thắc mắc xoay quanh các câu hỏi này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến của các ĐBQH bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Phương án khả thi nhất
Đánh giá về đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Thu nhập tăng thêm mà không giải trình được thì rõ ràng có vấn đề. Việc này, chuyển cho tòa án, để tòa án xem xét thực tế của tài sản tăng thêm này thế nào, xác định xem nên xử lý ra sao cho hợp lý. Cá nhân tôi cho rằng, phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn đưa tài sản không rõ nguồn gốc ra giải quyết tại tòa án để xem xét là phương án có tính khả thi và có lẽ nhận được sự đồng tình của người dân cao hơn.
Bên cạnh đó, lần này các ĐBQH không chỉ mong muốn Quốc hội thông qua đối tượng là công chức, viên chức mà cả đối tượng thuộc khu vực ngoài nhà nước. Rõ ràng, vấn đề tham nhũng hiện nay không chỉ nằm trong Nhà nước, mà cả ngoài Nhà nước. Không phải ai ở ngoài Nhà nước cũng là đối tượng tham nhũng, nhưng sẽ rơi vào một số đối tượng có khả năng có quan hệ kinh tế với các tổ chức, cá nhân hoặc các tổ chức của Nhà nước. Điều này, sẽ liên quan đến tham nhũng nên phải mở rộng ra. Tuy nhiên, mở rộng đối tượng này phải hết sức lưu ý quan tâm, xem xét, xác minh cho đúng đối tượng này có tham gia vào việc tham nhũng tài sản công của nhà nước hay không?”.
Có ý kiến cho rằng, việc xác định đối tượng kê khai tài sản phải kê khai tài sản của cả vợ, con chứ không còn của riêng công chức đó. Bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng điều này là đúng: “Khi kê khai tài sản con đang ở với bố mẹ, vợ đang ở với chồng mà không kê khai cả gia đình thì rõ ràng đang bỏ sót tài sản trong gia đình, nên phải kê khai là hoàn toàn đúng”.
Trước lo ngại việc vợ con kinh doanh bên ngoài, làm sao có thể phân định được tài sản đó là bất minh? ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm: “Nếu vợ con kinh doanh ngoài phải phân định được nguồn thu nhập của chồng, hình thành tài sản của chồng như thế nào. Còn vợ con kinh doanh ngoài thì không thể kết luận cho chồng là tham nhũng”.
Với những tài sản tăng thêm, có đại biểu cho rằng cần phải tính thuế thu nhập cá nhân, nói về điều này ĐBQH Bùi Sỹ Lợi bày tỏ việc tính thuế thu nhập cá nhân cần cho luật Thuế quy định.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh luật PCTN là cần thiết
Nói về việc kê khai, xử lý tài sản thu nhập tăng thêm, ĐBQH Cao Đình Thưởng, Phó đoàn ĐBQH Phú Thọ nhận định: “Luật PCTN (sửa đổi) có nhiều vướng mắc nên mới trải qua nhiều kỳ họp, chưa có sự thống nhất cao. Việc kiểm soát về tiền bạc rất khó khăn do thói quen tiêu tiền mặt, tuy nhiên việc kê khai, xử lý tài sản thu nhập tăng thêm vẫn là điều nên làm. Tôi tin, cứ làm khoảng 5-10 năm thì luật sẽ đi vào nếp,việc xác định tài sản thu nhập tăng thêm khi đó sẽ dễ dàng.
Còn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước tôi nghĩ mở rộng là cần thiết. Đôi khi tham nhũng hiện ở bên này nhưng lại ẩn ở bên kia, nên có chuyện “sân sau”, hoặc “doanh nghiệp sân sau”. Nếu kiểm soát được cả hai bên thì sẽ đồng bộ hơn”.
Cũng nói thêm về việc xử lý tài sản thu nhập tăng thêm liệu có tính khả thi, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Việc xử lý thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc và kê khai không trung thực không có gì khó khăn. Trong luật đã quy định rõ ràng: Là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong đối tượng kê khai thì phải kê khai trung thực về tài sản đang có. Đồng thời, có trách nhiệm bổ sung hàng năm theo quy định. Nếu không bổ sung hàng năm theo quy định, khi cơ quan kiểm soát tài sản phát hiện cán bộ, công chức khai không trung thực, lỗi là do người kê khai. Kê khai không trung thực không chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân mà còn phải chịu xử lý về hành chính, về trách nhiệm là cán bộ, công chức, viên chức không trung thực”.
Bên cạnh đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đồng tình về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật PCTN ra ngoài Nhà nước, ông cho rằng: “Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước là hợp lý, các đối tượng ngoài Nhà nước cũng là một trong những đối tượng làm lũng đoạn về tình hình kinh tế như có việc doanh nghiệp dùng tiền để mua chuộc cán bộ… Nên việc quản lý tài sản là điều hợp lý”.