Đó là ý kiến của Luật gia Nguyễn Thị Sơn - Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học Pháp lý và kinh doanh quốc tế.
Thưa bà, có ý kiến cho rằng, với bị can Lê Văn Luyện rất cần một lộ trình pháp lý đặc biệt để tạo ra án lệ?
Trong vụ án này, mình phải vận dụng thêm một số vấn đề quy định về đạo đức, lối sống để tìm ra một giải pháp. Ở nhiều nước với những vụ án phức tạp hay có nhiều yếu tố bị xã hội lên án mạnh mẽ thì có thêm tiền lệ, ở đó người ta gọi là hệ thống thông luật. Biết đâu khi lật lại những bộ luật từ xưa, như Bộ luật Hồng Đức có thể có những vụ án tương tự để đưa ra đối chiếu, xem xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Lâu nay, vì tính nhân đạo đã thấm đậm trong con người Việt Nam nên giảm nhẹ thì dễ, còn tăng nặng là cả một vấn đề. Bây giờ rất cần phải nghiên cứu toàn bộ các điều luật trước đây, rồi vấn đề văn hóa chung của người Á đông là thế nào, mới tính đến một lộ trình pháp lý đặc biệt đối với bị can Lê Văn Luyện.
Hiện khái niệm về vị thành niên trong các văn bản pháp luật của chúng ta còn có sự vênh nhau về độ tuổi, đây có phải là một cơ sở để đưa ra cách xử lý đối với Lê Văn Luyện?
Trong Luật Bảo vệ chăm sóc & Giáo dục trẻ em, độ tuổi tối đa của người được gọi là trẻ em là dưới 16 tuổi, Bộ luật Lao động là dưới 15 tuổi, Bộ luật Hình sự là dưới 16 tuổi, nhưng lại khống chế mức án tù cho người dưới 18 tuổi... cho thấy có cơ sở để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng vấn đề này. Nhưng nên nhớ, phán xử tử hình bị can Lê Văn Luyện hay không là chuyện hình sự, mà hình sự lại dựa vào chủ yếu là thành niên hay vị thành niên được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Theo bà, luật sư bào chữa cho Lê Văn Luyện sẽ phải đương đầu với những khó khăn gì?
Luật sư luôn phải cãi theo luật. Dù họ có phản đối hành động dã man của Lê Văn Luyện đến đâu nhưng vì là luật sư bào chữa cho hắn nên họ vẫn phải cãi cho hắn. Tuy vậy, luật sư cũng không thể nói theo cách của dư luận lâu nay đưa ra đòi phải tử hình đối với Luyện được. Nhưng nếu luật sư lại bảo vệ cho tên này một cách mù quáng thì sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ của dân chúng. Do vậy, luật sư được chỉ định bào chữa cho Lê Văn Luyện trong vụ án này sẽ đứng trước một áp lực lớn với một bên là đi đúng quy định pháp luật, còn một bên là "sức nóng" của dư luận.
Vậy phải làm sao để hài hòa được 2 mặt, pháp lý và dư luận trong vụ án này, thưa bà?
Khởi tố 5 người trong gia đình Lê Văn Luyện
Trưa 7/9, VKSND tỉnh Bắc Giang đã quyết định khởi tố 5 đối tượng liên quan vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích. Trong đó, có 4 người thuộc gia đình Luyện và Dương Thị Lược, là y tá đã khâu vết thương cho Luyện. Lê Thị Định (cô ruột của Luyện, ở Lạng Sơn), Lê Văn Miên (bố Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện) cùng bị khởi tố về hành vi che giấu tội phạm; Trương Văn Hợp (bố của Hồng) và Dương Thị Lược bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm. Xét thấy chưa đủ căn cứ để khởi tố nên VKS đã trả tự do cho bà Lê Thị Thơm, mẹ của Luyện. Riêng đối tượng Lê Văn Nghi, chồng bị can Định, do có công trong việc dẫn dụ Lê Văn Luyện về nước chịu tội trước pháp luật nên CQĐT không xem xét khởi tố hình sự tại thời điểm hiện tại.
Thật ra là rất khó, ví dụ như tôi, ngay khi đứng trên góc độ độc giả đọc bài báo về bị can này cũng không chấp nhận được thì sao tính đến chuyện tha thứ. Nhưng theo tôi, mọi người cũng không nên phản ứng quá mạnh gây áp lực lớn đến cơ quan tố tụng. Nói thật, về mặt lối sống đạo đức thì tên Luyện này quá máu lạnh, không ai có thể bênh vực được. Lúc xử thì mình có thể mạnh tay, nhưng áp dụng luật thì không thể tử hình được hắn. Đó là điều mà dư luận, xã hội bức xúc, không chấp nhận tha thứ cho hắn.
Phải chăng, cách dung hòa cần nhất là sửa luật, để có một khung hình phạt hợp lý nhất cho lứa tuổi vị thành niên phạm tội?
Đúng như vậy, bây giờ rất cần sửa luật và chờ Quốc hội "duyệt". Mình có quyền sửa, vì bây giờ do phát triển kinh tế xã hội, thể chất các cháu đã trưởng thành rồi, có thể phạm những tội nghiêm trọng từ 15 tuổi trở lên là phải xử. Tuy nhiên, nên nhớ đối với hung thủ Lê Văn Luyện trong vụ giết người, cướp vàng ở Bắc Giang thì "luật bất hồi tố" nên vẫn không thể áp dụng được những điều luật mới cho hắn.
Cũng phải cân nhắc, luật của mình còn dựa vào Công ước quốc tế, mà trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi, cho nên trong phạm vi xét xử của mình phải dành mọi ưu tiên cho đứa trẻ được tồn tại. Trong khi, Quốc hội của nước ta đã duyệt trên cơ sở đó rồi. Nói vậy không phải không làm được vì trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em có một câu như thế này: "Trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn".
Nếu tính đến vấn đề tương lai thì rất cần phải sửa luật, đừng để cho những đứa trẻ khác nhìn đây là một “tấm gương” để học theo thì phải xem xét, chỉnh sửa sao cho phù hợp. Sửa càng sớm càng tốt. Nhưng theo tôi, sửa luật không phải để cho trường hợp tên Luyện, mà để lo cho một xã hội ổn định trong tương lai.
Vương Trần