Hai năm sau khi Thông tư 70 của Bộ Công an ra đời, thực trạng bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can vẫn chưa được cải thiện. Luật sư vẫn bị làm khó với hàng loạt “chiêu” oái oăm…
Hai năm trước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã vận động thành công để Bộ Công an ra Thông tư 70 quy định chi tiết thi hành BLTTHS liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Sau đó, VKSND Tối cao cũng ký Quy chế phối hợp với Liên đoàn Luật sư để hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức trách.
Tạm giữ, điều tra: Luật sư khó “vào” nhất
Trong Thông tư 70, lần đầu tiên ngành công an ràng buộc điều tra viên khi giao quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố thì phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về quyền bào chữa, đồng thời lập biên bản ghi rõ ý kiến của nghi can là có nhờ người bào chữa hay không. Song song đó, ngành công an cũng quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, về việc luật sư gặp thân chủ hay tiếp cận, sao chép hồ sơ vụ án...
Với những nội dung tích cực ấy, Thông tư 70 đã được giới luật sư cả nước vui mừng đón nhận. Nhiều người chủ động sao thành tài liệu, kẹp vào hồ sơ mỗi vụ việc như là “bảo bối” mỗi khi có thân chủ nhờ bảo vệ trong giai đoạn điều tra. Nhưng đến nay, hiệu quả mang lại từ Thông tư 70 và Quy chế phối hợp của VKSND Tối cao - Liên đoàn Luật sư vẫn chưa cao, biểu hiện qua kết quả khảo sát trong giới luật sư do hai luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Hưng Quang và các đồng nghiệp thực hiện (được giới thiệu ngày 9-7).
Đầu tiên là câu hỏi về mức độ tạo điều kiện của cơ quan tố tụng trước và sau khi có các quy định trên. Câu trả lời của giới luật sư cho thấy có tới hơn 50% cho rằng người bị tạm giữ “không được tạo điều kiện thuận lợi” để nhờ người bào chữa. Tỉ lệ này giảm xuống 27,7% ở giai đoạn điều tra và còn 8,7% ở giai đoạn truy tố và trước khi xét xử. Ở đoạn cuối này, có tới 90% luật sư cho rằng VKS đã “tạo điều kiện thuận lợi” hoặc “thuận lợi vừa phải” cho bị cáo thực hiện quyền mời luật sư.
Kết quả trên cũng được thể hiện rõ hơn qua các buổi tọa đàm. Nhiều luật sư cho biết hầu hết các trường hợp mời họ bảo vệ cho người bị tạm giữ là do thân nhân mời chứ họ không thể tiếp cận với người đang bị cách ly. Một số khác cho biết chưa bao giờ tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ vì không được tạo điều kiện trên thực tế.
Thực tiễn tiếp cận quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can cũng được biểu hiện ở con số gần 1/2 số luật sư cho rằng cơ quan điều tra “thỉnh thoảng” mới giải thích cho đương sự về quyền bào chữa. Khoảng 1/3 số luật sư cho rằng cơ quan tố tụng “hiếm khi” hướng dẫn người bị tạm giữ, bị can viết đề nghị nhờ người bào chữa. Hơn 1/2 số luật sư cho biết cơ quan tố tụng “không bao giờ” cung cấp danh sách, thông tin luật sư để đương sự liên lạc. Tuy nhiên, việc này được thực hiện tốt hơn nếu rơi vào các vụ án mà luật bắt buộc phải có người bào chữa.
Nhiều “chiêu” cản trở nghi can mời luật sư!
Mời luật sư bào chữa là quyền căn bản của người rơi vào vòng lao lý. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp cơ quan tố tụng thông báo ra ngoài là người bị tạm giữ, bị can từ chối thực hiện quyền này. Lý do cụ thể với mỗi trường hợp luôn là điều khó lý giải.
Để làm rõ, nhóm khảo sát đã nêu ra các lý do giả thiết và nhận được phản hồi như sau: Gần 59% số luật sư cho rằng điều tra viên không giải thích cho đương sự quyền bào chữa mà tiến hành khám, xét hỏi ngay. Hơn 63% cho rằng điều tra viên khuyên đương sự “không nên”, “không cần” mời luật sư. 46% cho rằng đương sự có yêu cầu điều tra viên trợ giúp tìm luật sư nhưng bị từ chối công khai. Các lý do khách quan khác như không tìm được người bào chữa phù hợp, không có điều kiện tài chính chỉ chiếm khoảng 11%-27% trả lời.
Tọa đàm sâu với giới luật sư làm rõ hơn tình trạng trên. Có luật sư cho biết có trường hợp bị can bị dọa sẽ bị tăng hình phạt nếu mời người bào chữa. Tại Đà Nẵng, một luật sư kể một lần được vào tiếp xúc bị can cùng với cán bộ điều tra, khi luật sư hỏi bị can thì nhìn thấy cán bộ này dẫm chân bị can. Kể từ lúc đó, bị can… từ chối luật sư luôn. Luật sư chất vấn, điều tra viên bảo vô tình dẫm phải chứ không có ý gì khác (?!). Để tạo điều kiện cho luật sư có mặt khi cơ quan điều tra lấy lời khai thân chủ, Thông tư 70 quy định điều tra viên phải thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung cho luật sư trước 24 giờ hoặc trước 48 giờ với người bào chữa ở xa. Thực tế, không ít luật sư nói chỉ được thông báo khi đã kết thúc điều tra hoặc bị hẹn giờ không chính xác. Tọa đàm tại Đoàn Luật sư Hà Nội đầu tháng 6-2013, có luật sư chia sẻ là chưa bao giờ nhận được thông báo, thậm chí không thể cập nhật được lịch xét hỏi. Cá biệt có trường hợp điều tra viên “chơi khó” là bắt đầu hỏi cung bị can thì mới báo cho luật sư tới tham dự, trong khi nơi lấy cung cách nơi làm việc của luật sư… mấy chục cây số.
Chính vì vậy, có tới gần 49% số luật sư nói rằng họ “thường xuyên” gặp khó khăn trong thủ tục xin gặp gỡ thân chủ đang bị tạm giam. Thậm chí, 1/3 số được hỏi cho biết họ hoàn toàn không được gặp thân chủ trong giai đoạn điều tra. Tình hình này chỉ được cải thiện khi vụ án đã sang giai đoạn truy tố với 43% số luật sư được hỏi nói rằng họ “thường xuyên” được tạo điều kiện gặp gỡ thân chủ.
Những kiến nghị Từ thực tiễn khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định quyền bào chữa. Trước đó, các kiến nghị này khi đưa ra lấy ý kiến trong giới luật sư đều được ủng hộ với mức cao (từ 70% đến 87%). Chẳng hạn, cần quy định thân nhân của người bị tạm giữ, bị can có quyền nhờ luật sư bào chữa và cơ quan tố tụng phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa. Đặc biệt, văn bản từ chối người bào chữa của nghi can phải có chứng kiến, xác nhận của luật sư do gia đình mời hoặc của đại diện VKS. Cạnh đó, quyền được giao tiếp giữa luật sư và thân chủ đang bị tạm giam cần được đảm bảo riêng tư và không bị giới hạn thời gian. Bổ sung nghĩa vụ của VKS trong việc kiểm sát việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can và bảo đảm quyền tham gia tố tụng của luật sư. Ngoài ra, cần phải có chế tài với người tiến hành tố tụng khi có hành vi xâm phạm quyền hành nghề của luật sư, quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can. Quy định chỉ nằm trên giấy Một quy định rất tiến bộ của Thông tư 70 là điều tra viên phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can biết về quyền bào chữa và lập biên bản lấy ý kiến của nghi can về việc mời luật sư gần như không được thực thi. Nhóm nghiên cứu tổ chức bốn cuộc tọa đàm ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cà Mau với 125 luật sư tham dự thì chỉ có một luật sư cho biết có chứng kiến điều tra viên lập loại biên bản này. |
Theo Nghĩa Nhân (Pháp luật TP HCM)