Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự là những luật sư được mời hoặc được chỉ định theo quy định về các trường hợp bắt buộc phải có luật sư tham gia.
Theo quy định tại Điều 56, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì một luật sư có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Về nguyên tắc, ngay khi có quyết định khởi tố bị can là luật sư đã có quyền tham gia bào chữa. Với trường hợp được mời, được cử tham gia vụ án hình sự từ giai đoạn điều tra thì luật sư bào chữa sẽ được vận dụng, sử dụng hết tất cả các quyền của mình theo quy định tại khoản 2, Điều 58, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội Xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKS quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Luật sư sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và những văn bản có liên quan.
Quyền của người bào chữa
Khi có giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư có những quyền được quy định tại Điều 58, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003. Cụ thể như sau:
a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
b) Đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can;
c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
d) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác;
đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam;
g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật;
h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà;
i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
k) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2, Điều 57 của Bộ luật này.
Nghĩa vụ của người bào chữa
Khoản 3, Điều 58 quy định về nghĩa vụ của người bào chữa:
a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo;
Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Việc giao nhận các tài liệu, đồ vật đó giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này;
b) Giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
c) Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng;
d) Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
đ) Có mặt theo giấy triệu tập của tòa án;
e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Luật sư Phan Trung Hoài xác nhận được cấp giấy bào chữa cho ông Đinh La Thăng
Xác nhận với PV báo Người Đưa Tin sáng 15/12, luật sư Phan Trung Hoài (đoàn Luật sư TP.HCM) đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, từ nơi tạm giam, ông Đinh La Thăng có đơn yêu cầu luật sư bảo vệ. Gia đình ông Thăng cũng mời luật sư Phan Trung Hoài tham gia bào chữa cho ông Thăng.
“Cơ quan điều tra rất tạo điều kiện, chỉ trong vòng 1 ngày đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi rồi", luật sư Phan Trung Hoài cho hay.
Trước đó, ngày 8/12, cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã có luật sư bào chữa
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Lê Văn Thiệp – văn phòng Luật sư Toàn Cầu (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, ông là người bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Luật sư Thiệp cũng cho biết, cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện cho luật sư gặp thân chủ của mình.
Ngày 15/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - bộ Công an đã chính thức khởi tố ông Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông làm lãnh đạo tại đây.
Việt Hương