Chiều 6/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và 4 đồng phạm khác với phần bào chữa của các luật sư.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình, việc tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín là một việc hệ trọng nên không thể do một cá nhân dù là Thống đốc hay Phó Thống đốc quyết định. Cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo Bình đã có bút phê, cho nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đứng đầu) tham gia tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (TrustBank), dù biết Phạm Công Danh không đủ năng lực tài chính là chưa thỏa đáng.
Trong khi đó, ông Đặng Thanh Bình đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Bị cáo Bình cũng không tự quyết định vấn đề hệ trọng này. Chưa kể tại cuộc họp về việc tái cơ cấu TrustBank, lãnh đạo NHNN đã thống nhất, đồng ý với tờ trình về việc cho TrustBank tái cơ cấu bằng việc chấp nhận cho nhóm cổ đông của Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu.
Ngoài ra, bút phê của bị cáo Bình không có nội dung chỉ đạo không đánh giá năng lực đầu tư của nhóm cổ đông mới. Vì vậy bút phê này không trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi sai phạm xảy ra, bị cáo Bình đã quyết liệt chỉ đạo xử lý. Bị cáo Bình thừa nhận thiếu sót khi đã không lưu ý, hướng dẫn cấp dưới thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong việc thanh tra kịp thời và phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh.
Bên cạnh đó, luật sư của ông Đặng Thanh Bình cũng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên với ông Bình vẫn còn cao. Luật sư cũng mong HĐXX xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ, không cần thiết phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội.
Từ đó, các luật sư bào chữa đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị cáo Bình, nếu không đủ cơ sở miễn TNHS thì giảm hình phạt, cho bị cáo Bình được hưởng án “tù tại gia”.
Cũng trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Hà Tấn Phước (cựu Tổ trưởng tổ giám sát NHNH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) và bị cáo Lê Văn Thanh (cựu Chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An) cũng mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo này.
Cụ thể, mặc dù tổ giám sát có sai phạm nhưng đã nỗ lực ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Gia đình Phước có nhiều người có công với cách mạng, Phước đang phải nuôi mẹ già… Còn bị cáo Thanh đang điều trị bệnh trầm cảm tại bệnh viện tâm thần tỉnh Long An và mắc một số bệnh khác… Từ đó, luật sư mong HĐXX cho 2 bị cáo này được hưởng án treo.
Tham gia tranh luận tại tòa, đại diện VKS đã bác bỏ các quan điểm của các luật sư bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình. Theo đó, bị cáo Bình với tư cách là Phó Thống đốc NHNN đã không thực hiện đúng chỉ đạo trong việc tái cơ cấu, không đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư, không giám sát quyết liệt dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.
Hành vi của bị cáo Bình bị cấp sơ thẩm xét xử và tuyên án theo khoản 2 Điều 285 BLHS có mức hình phạt từ 3-12 năm tù. Hậu quả mà Bình và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng (hơn 15.000 tỷ đồng), ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia nhưng chỉ bị tuyên phạt 3 năm tù là nhẹ và không có căn cứ để được giảm nhẹ hơn tại phiên tòa phúc thẩm này.