Thông qua thực tiễn giải quyết các vụ án thực tế, nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến việc xác định thế nào là dâm ô, đòi hỏi việc để lại dấu vết như lông, tóc, tinh dịch... trên cơ thể các em mới có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội... Điều này nghe có vẻ vô cùng vô lý nhưng đang tồn tại trong việc giải quyết các vụ án về dâm ô hiện nay ở nước ta.
Tại tọa đàm sửa đổi các tội danh về xâm hại tình dục trẻ em do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSGA) phối hợp tổ chức, luật sư Lê Luân, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã đề xuất 4 tội danh mới liên quan vấn đề này.
“BLHS 1999 chỉ quy định chung người nào đã thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em mà hoàn toàn không quy định nội hàm thế nào là hành vi dâm ô. Theo quy định hiện nay, có thể hiểu dâm ô - hành vi xâm hại mang tính thể chất, là đã tiếp xúc với cơ thể nạn nhân. Để chứng minh hành vi này bằng cách để lại yếu tố vật chất trên cơ thể nạn nhân: tinh dịch, lông, tóc.... Chứng minh tội phạm đối với tội này như thế nào trong khi chỉ cần động chạm vào nạn nhân đã cấu thành tội phạm này đang là nhiều vướng mắc, khó khăn? Pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định quấy rối tình dục liên quan Bộ luật lao động, chỉ quy định việc quấy rối tình dục trong môi trường công sở, Bộ luật hình sự không có đề cập đó”.
Theo đó, luật sư đã đề xuất 4 loại tội danh cụ thể gồm:
- Tội Chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô: Phạt tiền, tù giam, không để khoảng hình phạt, tạm giam không tại ngoại trong suốt thời gian hầu tra và xét xử.
- Tội Chủ ý khiêu dâm với trẻ em: Phạt tiền, phạt tù một hoặc 2 năm tùy mức độ. Tạm giam không tại ngoại để hầu tra và xét xử.
- Tội Chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục: Phạt tiền, phạt tù 2 năm, 3 năm hoặc 4 năm tùy mức độ.
- Tội Chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em: Phạt tiền, phạt tù từ 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng.
Bên cạnh đó, luật sư cũng kiến nghị thực hiện các biện pháp tư pháp như cấm vĩnh viễn hành nghề liên quan đến trẻ em, phải theo dõi và công khai tên tuổi, xác định khoảng cách an toàn với trẻ em hoặc thiến sinh học....Thủ tục bắt được cho phép thực hiện bẫy để phát hiện hành vi dâm ô.
Góp ý về kiến nghị của LS. Lê Luân, LS. Ngô Anh Tuấn, VP luật sư Anh Tuấn tranh luận: “...Để làm ra tội danh mới như trình bày của luật sư Luân, ý tưởng tốt nhưng tính thực thi trong thực tế chưa có. Khó đối với việc soạn thảo 4 tội danh, nên nêu thành 1 điều luật và được diễn giải bằng các thông tư thi hành thì việc khả thi lớn hơn".
Về biện pháp ngăn chặn thiến sinh học, luật sư Tuấn cũng lưu ý: “Pháp luật không chỉ trừng trị tội phạm mà còn để cải tạo con người...Chúng ta phải nhìn nhận hành vi này không chỉ là tội phạm mà còn giống bệnh lý. Họ cần được cải tạo để trở về cộng đồng, nhìn sâu xa hơn, việc làm của chúng ta có vi phạm nhân quyền hay không? Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó nhưng không được vượt quá quyền...Việc gài bẫy không khả quan vì nếu tìm được chứng cứ cho hành vi này lại làm ảnh hưởng đến người khác. Vì khi gài bẫy phải tìm người đóng thế, diễn nhưng đối tượng là trẻ em?". Đồng thời, luật sư Tuấn kiến nghị khi có đơn trình báo của gia đình thì sau đó, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành giám định mà không được từ chối trong trường hợp này.
LS. Nguyễn Văn Tú, đoàn Luật sư Hà Nội cũng ý kiến: “...Pháp luật chỉ đụng đến những cái dâm chứa đựng hành vi nguy hiểm cho con người và xã hội. Đời sống tình dục rất đa dạng, có nhiều hành vi... dẫn đến nhà luật pháp quy định thế nào cho dễ hiểu là điều không dễ dàng....Những hành vi thực tế có thể gọi là “khẩu dâm” làm ảnh hưởng đến người khác mà thỏa mãn nhu cầu của người đó... cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc đầu tiên, chúng ta phải tiếp cận điều luật với phạm vi rộng nhất, sửa rộng nhất về mặt quan điểm. Nên quy định nội hàm ngay trong luật, quy định cụ thể thế nào là dâm ô.... chứa hàng nghìn hành vi khác nhau trừ 4 hành vi đã cấu thành tội hiếp, cưỡng, giao cấu...”
Dương Nhung