Hàng chục nghìn tỷ được chuyển đi nước ngoài
Cáo trạng VKS Tối cao ban hành mới đây về kết quả điều tra giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát, trong đó làm rõ thêm một số tình tiết liên quan.
Về hành vi Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, cơ quan tố tụng xác định, từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm đã lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.
Quá trình điều tra xác định từ 2012 – 2022, Vạn Thịnh Phát dùng 12 công ty tại Việt Nam và 11 công ty ở nước ngoài để thực hiện việc chuyển tiền qua biên giới.
Trong đó có 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với hơn 1,5 tỷ USD và 152 giao dịch nhận về Việt Nam hơn 3 tỷ USD. Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tổng tiền số hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.000 tỷ đồng).
Trong vụ án, Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Anh và Bắc Ireland, là luật sư đại diện cho Trương Mỹ Lan) giúp quản lý 11 công ty trong và ngoài nước.
Cơ quan tố tụng xác định, giai đoạn từ 2012 đến 2022, Chiu Bing Keung Kenneth đã giúp Trương Mỹ Lan lập các hợp đồng "khống" giữa các công ty Việt Nam và công ty, tổ chức nước ngoài (đều là các "công ty ma" thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Vạn Thịnh Phát).
Thông qua các hợp đồng đó, bà Lan đã chỉ đạo chuyển tiền vay được từ nước ngoài về Việt Nam và lấy tiền trả từ Việt Nam ra nước ngoài để "trả nợ" thông qua hệ thống ngân hàng SCB.
Từ năm 2014 đến 2022, tổng số tiền các công ty này chuyển đi là hơn 556 triệu USD (gần 13.000 tỷ đồng) và nhận về hơn 940 triệu USD (hơn 21.000 tỷ đồng). Đây đều là số tiền bà lan chiếm đoạt từ các nhà đầu tư thông quan phát hành trái phiếu mà có.
Trong vụ án, một người ngoại quốc khác là Chen Yi Chung, quốc tịch Hồng Kông (Trung Quốc), quyền Tổng Giám đốc SCB cũng bị cáo buộc giúp bà Lan chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, Chung đã 13 lần chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng khống như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Theo đó, trong 13 giao dịch này thì có 12 giao dịch chuyển tiền đi 673 triệu USD và chuyển về 35 triệu USD. Tổng sổ tiền tương đương hơn 16.000 tỷ đồng.
Phương thức chuyển tiền cũng bằng các hợp đồng "khống" mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền... giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty, tổ chức nước ngoài.
Chen Yi Chung bị cáo buộc tham gia 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền gần 674 triệu USD (tương đương hơn 15.000 tỷ đồng) và một giao dịch chuyển tiền về Việt Nam, 35 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng).
Quá trình điều tra, Trương Mỹ Lan khai đã chỉ đạo Chen Yi Chung phối hợp với các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và lãnh đạo SCB lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền. Kết quả nhận dạng qua ảnh, các bị can và những người liên quan khác đều nhận ra Chen Yi Chung.
Yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả
Cáo trạng mới được ban hành cũng cho biết, ngày 12/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đề nghị Tổng chưởng lý Quần đảo British Virgin, Tổng chưởng lý Quần đảo Cayman (đều thuộc Vương quốc Anh) và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) phối hợp xác minh về pháp lý của 11 tổ chức nước ngoài, giám đốc đại diện pháp luật của 11 tổ chức nước ngoài có liên quan tới vợ chồng bà Trương Mỹ Lan.
Ngày 14/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có công văn kèm theo yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự xác minh đối tượng Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung về các nội dung liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, đến nay các yêu cầu tương trợ tư pháp đều chưa có kết quả.