Thông tin từ cục CSGT, bộ Công an cho biết, sau hai ngày (1 và 2/1/2020) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng. Trong đó nhiều tài xế đã viện đủ mọi lý do bào chữa cho hành vi uống rượu, bia của mình, thậm chí có hành vi chống đối lực lượng chức năng.
Những ngày gần đây, cũng đã có không ít “ma men” khi bị CSGT dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn đã dùng những chiêu trò như vứt xe lại rồi bỏ đi, cương quyết không thổi vào thiết bị kiểm tra nồng độ cồn hoặc dắt bộ qua chốt… để “né” thổi nồng độ cồn. Nhiều ý kiến cho rằng, những trường hợp trên chỉ bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ và hình phạt sẽ được giảm nhẹ hơn so với vi phạm về nồng độ cồn thậm chí là thoát tội?
Sáng 5/1, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đây đang là một trong những cách mà các tài xế sử dụng để “lách luật” khi bị kiểm tra, xử lý về vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, luật hiện nay chỉ thiếu sót khi chưa có quy định xử phạt đối với những trường hợp tài xế cố tình dừng xe để dắt bộ trước chốt kiểm tra còn những trường hợp còn lại đều đã có những quy định rất rõ ràng.
“Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ về việc chủ phương tiện phải có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi được yêu cầu kiểm tra lỗi vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc kiểm tra, không chứng minh hoặc giải trình được lỗi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định đối với lỗi phát hiện”, luật sư Nghiêm Quang Vinh chia sẻ.
Cụ thể, về hành vi từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn, theo điểm b khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Với cùng hành vi này, người điều khiển xe máy, bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (điểm g khoản 8 Điều 6); bị tước quyề sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng (điểm b khoản 9 Điều 7) đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nếu điều khiển xe máy chuyên dùng từ 22 - 24 tháng.
Đặc biệt, người đi xe đạp, xe đạp điện nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT cũng bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 8).
Luật sư nghiêm Quang Vinh nhấn mạnh: “Mức phạt khi từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn được quy định bằng với mức phạt cao nhất đối với vi phạm về nồng độ cồn”.
Để xử lý trường hợp tài xế dắt xe qua chốt để “lách luật”, luật sư Vinh cho rằng lực lượng chức năng có thể lắp các thiết bị ghi hình cách chốt kiểm tra một khoảng cách nhất định để chứng minh được các lỗi vi phạm của tài xế.
Cũng trong sáng ngày 5/1, chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại diện cục CSGT cũng cho biết, việc xử lý những trường hợp người vi phạm cố tình dắt xe qua chốt hay tạt vào quán nước ven đường để tránh bị kiểm tra… đang là bài toán đối lực lượng chức năng bởi hệ thống luật chưa có quy định xử lý đối với trường hợp trên.
Trong trường hợp từ xa đã thấy tài xế dắt xe, điều này cho thấy có thể xe của họ bị hỏng hoặc người ở ngoại tỉnh lên chưa quen đường nên đi nhầm phải xuống xe dắt bộ.
Hiện, cục CSGT đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra phương án xử lý đối với những trường hợp này.