Vì tội nghiệp cho hoàn cảnh của thân chủ, tôi đã lao tâm khổ tứ với tất cả sự tận tâm và trách nhiệm của mình. Cuối cùng, công sức của Luật sư đã được đền đáp.
Sa vào cái chết trắng
Bị cáo mà tôi nhắc tới là Lương Văn Chinh (SN 1975, ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định). Ngày 31/8/1998, tại cầu Lạc Quần, Nam Định, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý bắt quả tang Lương Văn Chinh đang vận chuyển 2 bánh hêroin trên đường đi tiêu thụ.
Quá trình đấu tranh khai thác, từ lời khai của Chinh, lần lượt 24 đối tượng bị bắt đã khai nhận tham gia mua bán mua bán 71 kg hêrôin và 23,5 kg thuốc phiện. Trong đường dây tội phạm đó, có những tên tuổi “bố già” ma túy cộm cán như Nguyễn Văn Tám, Phạm Bá Dìn, Đinh Thị Dung, Mai Văn Cao, Trần Nho Đèn, Nguyễn Văn Thuấn, Lương Thanh Bình, Nguyễn Văn Quyết…
Đây là vụ án ma túy lớn nhất tính đến thời điểm phá án; Cơ quan Điều tra đã tách ra làm 3 giai đoạn khởi tố và bắt giam 58 bị can. Vụ án được đưa ra xét xử với 15 án tử hình, 22 án chung thân, còn lại từ 2 đến 20 năm tù giam.
Tang vật một vụ án ma túy |
Khi nhận bào chữa cho thân chủ Lương Văn Chinh, điều khiến tôi day dứt nhất là hoàn cảnh thương tâm của thân chủ. Lương Văn Chinh là con thứ ba trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa nghèo, có 4 anh em. Lương Văn Chinh mồ côi cha từ năm lên 5 tuổi, người mẹ lam lũ tần tảo nuôi anh em ông lớn khôn. Vì nhà ít ruộng nên đến tuổi trưởng thành thì Chinh theo bạn bè đi làm thuê ở tỉnh Điện Biên. Thời điểm bị bắt, ông Chinh mới cưới vợ được 10 tháng.
Anh kể cho tôi nghe con đường khiến một gã trai mới lớn thành một mắt xích ma túy cộm cán. Quá trình đi làm thuê ở Điện Biên, Chinh chơi thân với Nguyễn Văn Quyết mà không biết rằng lúc đó thanh niên này đã là một con cáo già trong đường dây ma túy.
Quyết chính là cháu ruột của trùm ma túy Nguyễn Văn Tám. Quyết dụ dỗ cho Chinh sử dụng ma túy rồi mắc nghiện lúc nào không hay. Khi Chinh đã phụ thuộc vào herôin, Quyết mới lộ rõ bản chất khi buộc Chinh phải đi giao hàng, vận chuyển hàng cho hắn thì hắn mới cung cấp tiền cho mua thuốc.
Thấy công việc giao hàng cho Quyết đơn giản, nhàn hạ, mà thù lao lại nhiều nên Chinh vui vẻ nhận lời. Cứ thế, anh đi lại như con thoi trên các chuyến xe khách từ Điện Biên về Thái Bình, Nam Định với gói hàng nhẹ tênh mà không biết rằng hành vi của mình có thể lãnh án tử hình.
Thù lao mỗi chuyến hàng, Quyết cho ông khi thì vài trăm, lúc vài triệu, cộng với cung cấp “hàng trắng” cho Chinh hút hít thả phanh. Ông Chinh khi đó thậm chí còn mang ơn Quyết mà không biết rằng “anh bạn tốt” đã đẩy mình vào cửa tử. Số tiền bất chính kiếm được rồi cũng “của thiên trả địa” theo những trò ăn chơi vô bổ của Chinh, chứ chẳng tích cóp dành dụm được đồng nào.
Mẹ già của Chinh nghèo vẫn hoàn nghèo, không nhờ cậy các con một đồng xu mẻ. Cả ba anh em Chinh đều “đâm đầu” vào buôn ma túy, nhưng căn nhà của họ vẫn rách nát như tổ đỉa, mẹ thì vẫn phải tần tảo ngược xuôi mới kiếm đủ ăn.
Thoát án tử trong gang tấc
Năm 1997, Chinh cưới vợ khi vừa tròn 22 tuổi. Vợ Chinh là một cô gái cùng xóm khi đó 18 tuổi, hai nhà cách nhau một con ngõ nhỏ. Vào cái ngày định mệnh 31/8/1998, vợ chồng Chinh mới ăn ở với nhau được 10 tháng, vợ thì mới bị sảy thai.
Hôm đó, theo lệnh của Quyết, Chinh phải giao hai bánh hêrôin cho một người không quen biết đã hẹn trước ở khu vực đầu cầu Lạc Quần (thuộc địa phận huyện Xuân Trường, Nam Định). Lúc đầu Chinh định nhờ vợ đem hàng giúp mình nhưng nghĩ thương vợ vừa mất đi cái thai đứa con đầu lòng nên lại thôi.
Chinh bảo, trong cái rủi lại có cái may, chứ nếu hôm đó vợ đi thay vì vô tình anh đã đã đẩy cô ấy vào chỗ chết do công an đã theo dõi rất sát sao và lên kế hoạch tỉ mỉ về việc sẽ “cất vó” mẻ lưới tại chân cầu Lạc Quần.
Tại phiên xử sơ thẩm, thân chủ của tôi bị tuyên mức án tử hình, cùng với người anh trai là Lương Thanh Bình. Là luật sư bào chữa cho Chinh, nếu như tôi đau xót cho anh ta một phần thì cảm thấy đau xót, thương cảm cho mẹ của anh gấp bội lần. Bà Mát mẹ Chinh gần như đột quỵ khi cả hai con trai trong đường dây buôn hàng trắng đều mang án tử.
Tôi động viên bà rằng tôi sẽ cố gắng hết lòng hết sức với chút hy vọng “cứu” được Chinh thoát tội chết. Dường như khi đó bà cụ chỉ biết vịn vào Luật sư làm cứu cánh. Dù nhà quá nghèo, dù đã được Luật sư giải thích rõ trong thời gian điều tra vụ án, người nhà không được phép thăm thân nhân, nhưng cứ dăm bữa nửa tháng bà Mát lại bắt xe khách lọ mọ lên tìm gặp Luật sư để hỏi thăm tin tức về con trai.
Tôi nhớ mãi hình ảnh bà còm cõi, tay ôm khư khư bọc ni lông mà ở trong toàn là kết luận điều tra, bản án và các giấy báo, giấy triệu tập của tòa án. Có hôm trong túi bà chỉ còn vài ngàn bạc lẻ, Luật sư phải biếu tiền bà để tàu xe về quê.
Khi được hỏi anh em ông Chinh suốt thời gian vận chuyển ma túy đã “báo hiếu” mẹ già được chút nào chưa? Bà lắc đầu mà nước mắt giàn giụa: "Chưa bao giờ có tiền cho mẹ Luật sư ạ, tôi bây giờ chẳng cần tiền bạc của chúng nó nữa, chỉ mong con tôi được pháp luật tha cho tội chết".
Khi bào chữa cho Lương Văn Chinh tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đã trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình như: Phạm tội do bị lôi kéo dụ dỗ, đã thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, hoàn cảnh gia đình hết sức thương tâm và tha thiết xin pháp luật mở cho Chinh một con đường sống.
Và , sự lao tâm khổ tứ của Luật sư đã được đền đáp khi cấp phúc thẩm minh xét, giảm án cho Lương Văn Chinh xuống còn chung thân. Nhìn bà cụ Mát khóc như mưa vì mừng cho con thoát tội chết, tôi cảm thấy lòng mình xúc động và vô cùng nhẹ nhõm.
Gần 15 năm đã trôi qua kể từ ngày được chỉ định tham gia bào chữa cho thân chủ Lương Văn Chinh, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in từng tình tiết phúc tạp, đan cài trong một vụ án ma túy đình đám này, mà với riêng tôi, đó là bài học nằm lòng cho nghề bào chữa vất vả chông gai mà tôi đã chọn.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Theo Pháp luật Việt Nam