Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm trong ngõ hẻm của thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (HN), nơi đó có hai người phụ nữ - Mẹ chồng và nàng dâu. Họ cùng chung nỗi đau khi không có người thân bên cạnh. Người con, người chồng của họ, cha của những đứa trẻ giờ ở một nơi rất xa. Anh đang thi hành bản án 18 năm tù.
Tâm sự với tôi, chị kể lại những ngày tháng không thể quên trong cuộc đời mình.
Ngày ấy, tại cánh đồng Bói người ta phát hiện thấy một xác chết, trên người có nhiều vết chém. Nạn nhân ấy là Lê Văn H, người em kết nghĩa của chồng chị. Chị thấy ân hận vô cùng bởi chị là nguyên nhân gây nên cái chết cho H.
Khi nghe chính vợ mình thú nhận về mối quan hệ bất chính này, chồng chị đã rơi vào một trạng thái hẫng hụt, tuyệt vọng. Anh đã không ngờ rằng người vợ bao nhiêu năm đầu ấp má kề với anh, người mẹ của các con anh đã phản bội lại chồng mình, ngoại tình với H trong khi chồng mình đi vắng.
Điều làm anh đau đớn hơn H lại là người mà anh thương yêu, coi như em ruột. Anh đã từng mua điện thoại, mua quần áo tặng cho người em kết nghĩa của mình. Thế nhưng H đã dùng chính chiếc điện thoại anh tặng để nhắn tin hò hẹn với chị- người vợ của anh. Anh đã trút sự căm giận, bực tức của mình bằng những nhát chém oan nghiệt lên người H. Chiếc điện thoại của H anh đã lấy lại và vứt nó đi.
Sự thật được phơi bày, chị và chồng chị đã phải đứng trước vành móng ngựa để chịu sự phán xét của pháp luật.
Tại phiên tòa, tôi là luật sư bào chữa cho chị, còn vị luật sư đồng nghiệp của tôi bào chữa cho chồng chị.
Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt chồng chị mức án 23 năm tù giam về tội “Giết người” và “ Cướp tài sản”. Còn chị được cải tạo ngoài xã hội với mức án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội “Che giấu tội phạm”.
Sau cái chết của H, chị trở thành kẻ tội đồ của gia đình chồng và gia đình bị hại.
Chị đón nhận sự oán hận của mẹ chồng, sự xa lánh, khinh bỉ của họ hàng. Từ ngày anh ở trong trại, chị và bà như hai chiếc bóng lặng lẽ trong nhà. Chị biết sẽ chẳng dễ dàng cầu xin sự tha thứ của bà trong ngày một ngày hai, khi mà ngoài kia miệng đời vẫn không ngớt lên án tội lỗi của chị.
Chị kể đã nhiều lần quỳ xuống xin sự tha thứ của mẹ chồng nhưng vẫn không được bà thông cảm. Chị muốn tìm đến cái chết nhưng nghĩ tới hai con chị lại thôi. Chị chấp nhận tất cả, xác định chỉ có cách sống để khắc phục lỗi lầm, chờ thời gian xoa dịu nỗi đau để được mọi người tha thứ.
(Chị vẫn lặng lẽ trong cuộc sống bởi mặc cảm tội lỗi...)
Chồng đi xa, khoản tiền bồi thường cho gia đình bị hại vẫn còn đó, chị buộc phải cố gắng lao động gấp nhiều lần để vừa có tiền tiếp tế cho chồng ở trong tù, vay mượn anh chị em, bạn bè để có tiền bồi thường cho gia đình bị hại với mong muốn chồng được giảm án.
Trước thành tâm của con dâu, mẹ chồng chị đã thay đổi. Bà cụ đã bán đất nông nghiệp để cùng con dâu khắc phụ hậu quả.
Ngày gia đình H gửi Tòa án lá đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chồng chị, chị thấy cuộc đời mình đã thay đổi. Chồng chị được giảm án xuống 18 năm tù.
Những tháng ngày sau đó, chị vẫn lặng lẽ trong cuộc sống bởi mặc cảm tội lỗi của mình. Dù vậy, chị vẫn hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi con khôn lớn, để cố gắng vượt qua bản án lương tâm đang ngày đêm âm ỉ dày vò. Chị hi vọng, sau tháng ngày giông bão, cuộc sống bình yên sẽ trở về. Dù ngày đó là cả một chặng đường dài phía trước bởi "tiếng đời" không dễ mai một. Nhưng chị tin, điều đó sẽ đến và nó đã minh chứng từ sự bao dung trở lại của mẹ chồng chị.
Hơn hai năm trôi qua, giờ nghe tôi nhắc về con trai mình, mắt mẹ chồng chị vẫn ngân ngấn nước. Nỗi nhớ con đằng đẵng theo bà trong từng ấy thời gian. Còn chị, trong chị vẫn chứa đầy nỗi đau mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ. Nhưng trong câu chuyện của họ, tôi đã nhận thấy một sự thay đổi.
Bà cụ kể giờ đây mỗi lần cùng con dâu và các cháu vào thăm con trai ở Trại giam trong Nghệ An, tâm trạng của mọi người cũng đã có phần nhẹ lòng hơn. Sự cố gắng sống để chuộc lỗi lầm của con dâu đã khiến bà mở lòng với suy nghĩ "đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại".
Bà cụ nói-Giận thì giận nhưng tôi cũng thương nó lắm. Vắng chồng, gánh nặng kinh tế dồn lên vai nó, tôi già yếu chả giúp được gì. Nó cũng đang phải ngày đêm chịu bản án lương tâm nặng gấp ngàn lần!.
Đối với chị, sự thành tâm hối lỗi của chị cũng đã khiến người chồng không còn oán hận vợ. Mỗi lần gặp anh, chị đã cảm nhận tình cảm vợ chồng đang ấm dần lại.
-Tôi thật sự cảm ơn mẹ chồng vì đã bao dung độ lượng để tôi được ở lại có cơ hội sửa chữa lỗi lầm của mình. Cảm ơn mẹ và anh đã tha thứ cho tôi..."
Trước những tâm sự của Mẹ chồng- Nàng dâu, tôi đã nhận thấy một mùa xuân ấm áp đã về sớm trong ngôi nhà nhỏ của họ. Bà cụ đã tha thứ cho chị, cô con dâu đã từng lầm lỡ của bà. Ở trong trại, anh cũng vậy.
Hai người phụ nữ hai nỗi đau, nhưng giờ đây nỗi đau đó đã vơi đi. Hai chiếc bóng không còn cô đơn lặng lẽ nữa. Trong đêm tối, hai chiếc bóng ấy xích lại gần nhau. Họ nương tựa vào nhau, cùng nhau tạo sự bình yên để hai đứa trẻ lớn lên bình thường trong mái ấm gia đình. Họ cùng chờ chồng, con họ trở về sum họp vào một ngày không xa…
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan ( Tiêu đề do tòa soạn đặt; Nguồn: Trang TTĐT Liên đoàn luật sư Việt Nam.)
Bạn đọc, Luật sư có đóng góp ý kiến, phản hồi hay bài viết cộng tác xin gửi về Emai: luatsu@nguoiduatin.vn
Mời bạn đọc, Luật sư xem các tin bài hay, độc đáo về những vấn đề pháp lý tại chuyên mục Luât sư