“Trong hoạt động tố tụng, tiếng nói của luật sư còn ít được lắng nghe, vị thế của họ nhiều khi hữu danh vô thực, dẫn đến một số luật sư chán nản bỏ nghề hoặc tệ hơn, trở thành “cánh tay nối dài” của thẩm phán. Ông có ý kiến gì về việc này?”. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định:
Số đông luật sư là những người tâm huyết với nghề, tôn trọng luật pháp, tận tâm với khách hàng, đồng thời luôn có ý thức bảo vệ pháp chế chung XHCN. Chuyện “cánh tay nối dài” hay nói thẳng ra là môi giới tiêu cực, “chạy án”, số này không nhiều. Tôi tin rằng nếu đẩy mạnh cải cách tư pháp, đẩy mạnh tranh tụng, việc ra bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại tòa, chúng ta sẽ hạn chế được tiêu cực trong hoạt động xét xử, số luật sư là “cánh tay nối dài” của thẩm phán cũng teo tóp đi.
Theo ông, đâu là giải pháp để đạt mục tiêu 20.000 luật sư có chuyên môn vững vàng vào năm 2020?
Đây chính là mục tiêu Đảng và Nhà nước ta đề ra trong Chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu này, Liên đoàn luật sư Việt Nam cần được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện để Liên đoàn sớm thành lập cơ sở đào tạo luật sư. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư, mở rộng đối tượng hành nghề, cải cách thủ tục hành chính, qua đó thu hút thêm lực lượng tham gia hành nghề luật sư.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến bảo vệ cho gia đình bị hại trong vụ cướp tiệm vàng Tuấn Anh 2, Tuyên Quang.
“Có quyền gặp kín thân chủ”
“Nếu được góp ý sửa đổi Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, ông sẽ có những đề xuất gì nhằm phòng tránh oan sai?”. Câu hỏi đặt ra cho luật sư Tô Tăng Như, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Quảng Ninh:
Tôi sẽ đề nghị quy định về quyền im lặng của người bị bắt giữ, quyền chỉ khai khi có mặt người bào chữa - không ai bị cưỡng ép phải khai bất lợi cho bản thân. Luật sư được quyền gặp kín người bị tạm giữ, tạm giam mà mình bào chữa vào bất kỳ thời điểm nào mà không bị hạn chế. Tôi tin là nếu những quy định trên được thực hiện, án oan sai sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Nhiều người cho rằng năm 2020 Việt Nam sẽ chưa thể có đủ 20.000 luật sư. Ông có sáng kiến gì không?
Để có 20.000 luật sư vào năm 2020 thì ngoài việc đào tạo, tuyên truyền, tôi cho rằng điều quan trọng là phải nâng cao thu nhập cho những luật sư mới vào nghề, thông qua công tác bào chữa theo án chỉ định. Quy định về lệ phí, thù lao cho luật sư áp dụng 7 - 8 năm nay chỉ 100.000đ/vụ do Toà án chỉ định luật sư, trong khi luật sư phải mất tối thiểu 03 (ba) buổi làm việc, là quá thấp.
“Cần cân bằng giữa cột tội và gỡ tội”
“Cần làm gì để nâng cao vị thế của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự?”. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang nói:
Đây là vấn đề tôi từng trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Nếu chỉ được nói ngắn gọn, tôi có ý kiến duy nhất là: Buộc tội và gỡ tội là hai mặt của một vấn đề, vì vậy hành lang pháp lý phải được cải thiện theo hướng cân bằng quyền được bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Pháp luật trao bao nhiêu thẩm quyền, chức năng, ngân sách …cho bên buộc tội (cơ quan điều tra và viện kiểm sát) thì cũng phải dành tương xứng như vậy cho bên gỡ tội.
Trong một cuộc tiếp xúc với các luật sư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn trong tương lai đội ngũ luật sư sẽ là nguồn cán bộ cho các cơ quan Nhà nước. Việc này có khả thi không, thưa ông?
Mong muốn của Thủ tướng là khả thi và có lẽ không phải đợi đến tương lai xa nữa. Nó có thể hiện thực hóa ngay lúc này. Các luật sư trẻ với khoảng 5-7 năm hành nghề nghiêm túc hoàn toàn là đội ngũ có đủ tri thức và nhiệt huyết để đảm nhiệm các công vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.
Theo Đinh Anh Tuấn (Tiền Phong)