Luật sư 'mách nước' về giải pháp tránh oan sai

Luật sư 'mách nước' về giải pháp tránh oan sai

Thứ 6, 29/11/2013 09:24

Lịch sử tố tụng Việt Nam đã có nhiều vụ án oan gây chấn động như: Vụ án vườn điều (Bình Thuận), vụ án Bùi Minh Hải (Đồng Nai), Trần Văn Tiến (Tiền Giang), Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh),... Và mới đây, dư luận lại tiếp tục bị “rúng động” với vụ án của Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Ép cung là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai

Vì những “sai sót” của  các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Cơ quan điều tra mà không ít gia đình (bị oan sai) đã tan cửa nát nhà, với những nỗi đau, những tổn thất không thể bù đắp. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng vụ án oan sai này đã phơi bày những “lỗ hổng” trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam hiện nay và cần được “lấp đầy” ngay để lấy lại sự tin tưởng của người dân vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền.

 Luật sư - Luật sư 'mách nước' về giải pháp tránh oan sai

Dư luận lại tiếp tục bị “rúng động” với vụ án của Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Vậy, làm thế nào để hạn chế, để tránh oan sai trong tố tụng hình sự? Đây là câu hỏi được dư luận, cơ quan truyền thông rất quan tâm trong thời gian gần đây và cũng có rất nhiều đại biểu Quốc hội, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư .... phân tích nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp, tiêu biểu như: Chống ép cung, bức cung; Sử dụng camera trong phòng thẩm vấn; Luật sư tham gia các buổi hỏi cung; Áp dụng quy định “Quyền được im lặng” của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Nguyên tắc “Suy đoán vô tội”...

Ép cung, bức cung là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Vì vậy, chống ép cung, bức cung là giải pháp đầu tiên để tránh oan sai. Nhưng làm thế nào để không xảy ra việc ép cung, bức cung. Lắp đặt, sử dụng camera trong phòng hỏi cung?

Giải pháp này yêu cầu Nhà nước phải đầu tư một khoản tiền lớn để trang bị, tuy nhiên có thể chống được “vấn nạn” ép cung, bức cung trong quá trình điều tra hay không? Thật khó có câu trả lời, bởi vì: Ai, cơ quan nào sẽ giám sát việc sử dụng, lưu trữ hình ảnh của camera trong phòng hỏi cung khi chỉ có điều tra viên và đối tượng tình nghi. Đây là không phải là giải pháp có hiệu quả cao.

Để tránh việc ép cung, bức cung các đối tượng bị tình nghi phạm tội của người tiến hành tố tụng (điều tra viên) thì cần phải có người đối trọng về trách nhiệm. Đó chính là luật sư bào chữa. Điều tra viên, kiểm sát viên giữ nhiệm vụ buộc tội còn luật sư bào chữa là người gỡ tội. Vì thế, sự tham gia của luật sư với vai trò đối trọng sẽ làm giảm tính chất “buộc tội” trong hỏi cung nói riêng và quá trình tố tụng hình sự nói chung.

Luật sư bào chữa cũng giữ vai trò “giám sát” việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật tố tụng hình sự của những người tiến hành tố tụng, làm cho quá trình được khách quan, công bằng hơn và tất nhiên sẽ hạn chế việc ép cung, bức cung, từ đó sẽ giảm được án oan sai. Nâng cao vai trò, vị trí của luật sư trong việc tham gia tố tụng là một trong những nhiệm vụ của Cải cách tư pháp, tuy nhiên nhiệm vụ này chưa thật sự được chú trọng. Pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận luật sư có quyền tham gia các buổi hỏi cung thân chủ của mình nhưng cần phải có sự đồng ý của điều tra viên hoặc kiểm sát viên.

Quy định này vô hình chung làm cho việc tham gia của Luật sư chỉ là còn “hình thức”, không còn ý nghĩa.

Đi kèm với việc tăng cường vai trò, sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng thì pháp luật tố tụng hình sự cũng cần phải ghi nhận nguyên tắc “Quyền được giữ im lặng để chờ người bào chữa” của người bị tình nghi, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định này được áp dụng ở phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới, là một trong những quy định đảm bảo quyền con người, quyền của công dân được bình đẳng trước pháp luật.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, pháp luật tố tụng nước ta cần phải tiến đến việc ghi nhận nguyên tắc này một cách phù hợp nhất.

Điều tra viên phải có cái tâm

Áp dụng triệt để nguyên tắc “Suy đoán vô tội” cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để tránh oan sai trong tố tụng hình sự. Hiến pháp nước ta ghi nhận rất rõ ràng: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Điều này có nghĩa rằng: Trước khi có Bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bị can, bị cáo đều được coi là “người vô tội”.

Pháp luật tố tụng hình sự cụ thể hóa nguyên tắc này bằng việc quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Tuy nhiên, có thể vì quá đặt nặng trách nhiệm “chứng minh tội phạm” và tâm lý lo sợ “bỏ lọt tội phạm” mà khi phát hiện tội phạm, xác định đối tượng tình nghi, thực tế nhiều điều tra viên chỉ đi theo hướng “buộc tội” và bức cung, ép cung khi nghi phạm chối tội, sẽ dẫn đến việc “oan sai”.

Nếu có thể quán triệt tư tưởng và áp dụng triệt để nguyên tắc “Suy đoán vô tội” thì quá trình tố tụng sẽ đảm bảo khách quan, công bằng đồng thời hạn chế được việc oan sai xảy ra.
Để hạn chế và tránh việc oan sai trong tố tụng hình sự thì không có giải pháp nào là tối ưu nhất, cần phải áp dụng nhiều giải pháp đồng thời.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người. Mọi việc đều do người thực hiện. Vì thế, giải pháp hữu hữu hiệu nhất là thay đổi con người, cần phải nâng cao chất lượng, ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật ở những người tiến hành tố tụng, đặc biệt giai đoạn tố tụng đầu tiên – Giai đoạn điều tra, như trung tá Nguyễn Trí Nghĩa - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP. HCM - từng chia sẻ: “Người làm điều tra phải không ngừng học hỏi, học hỏi ở mọi lúc mọi nơi để nâng cao sự hiểu biết về cả chuyên môn lẫn kiến thức xã hội của mình. Kiến thức càng rộng, càng sâu thì việc nhận định, đánh giá những yếu tố liên quan tới vụ án càng sâu sắc, gần với bản chất hơn.

Người làm điều tra phải có tâm và sự đam mê công việc vì nếu không có hai yếu tố này, người làm điều tra càng giỏi càng dễ chủ quan, mắc vào bệnh ham thành tích, “đánh án” bằng mọi giá thì việc dẫn tới oan sai hay bỏ lọt tội phạm là khó tránh khỏi. Có những vụ án, bằng cảm nhận của người làm điều tra có thể thấy rõ đối tượng gây án là ai, nhưng khi chưa đủ yếu tố để khẳng định, bắt giữ, chúng tôi buộc phải chấp nhận đeo bám, dùng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra tới khi có đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, chứ không bắt giữ, làm án bằng mọi giá.

Luật sư Hà Thị Thanh chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.