Trao đổi với phóng viên báo điện tử Người đưa tin về vấn đề này, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh, công ty luật Dazpro cho biết: Lúc thực hiện hành vi hiếp dâm mà không bị làm sao, tinh thần minh mẫn thì chắc chắn là bị xử lý hình sự như bình thường.
Trường hợp không có thông tin trên (rằng: lúc hiếp minh mẫn), và có thông tin là "thi thoảng không minh mẫn, không làm chủ được bản thân", thì cần chứng minh rõ thêm tại thời điểm hiếp dâm người này không minh mẫn, không làm chủ được bản thân đến mức mất khả năng nhận thức hoặc làm chủ hành vi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ảnh minh họa
Còn luật sư Trần Anh Dũng, công ty luật Đại Phúc thì cho rằng: Trường hợp này cần xác định rõ yếu tố “không minh mẫn” của người thực hiện hành vi phạm tội là do nguyên nhân bệnh lý liên quan đến thần kinh (bị bệnh tâm thần) hay do dùng chất kích thích.
Nếu người thực hiện hành vi phạm tội bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì theo quy định tại khoản 1 điều 13 Bộ luật hình sự, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người này, cơ quan có thầm quyền sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án, tức là lúc thực hiện hành vi hiếp dâm thì minh mẫn, nhưng sau khi thực hiện hành vi xong thì lâm vào tình trạng tâm thần thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật gia Nguyễn Hữu Thực, chi hội luật gia Đông Đô, Hà Nội bảy tỏ quan điểm đồng tình với những băn khoăn mà bạn Minh Thành đã hỏi. Luật gia Thực chia sẻ trên thực tế việc chứng minh thời điểm một người thực hiện hành vi hiếp dâm có minh mẫn hay không không phải là dễ nhất là đối với trường hợp người đó bị bệnh ở dạng lúc tỉnh táo, lúc lâm vào trạng thái hoang tưởng, tâm thần.
Tuy nhiên, luật gia Thực khẳng định pháp luật hình sự Việt Nam không thì hành hình phạt tù đối với người đang mắc bệnh tâm thần, dù người đó có thực hiện hành vi phạm tội khi còn tỉnh táo, tâm thần ổn định nhưng khi xét xử mà vì lý do nào đấy bị mất năng lực hành vi thì cũng không bị áp dụng hình phạt ngay tức khắc.
"Cũng có không ít người lợi dụng quy định của pháp luật, cố tình giả điên, giả tâm thần để lẩn tránh, "thoát" sự truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó việc xác định, giám định người đó có tâm thần hay không có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử", ông Thực cho biết thêm.
Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khácNgười phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) |
Băng Tâm (ghi)