Luật sư phân tích hành vi tài xế bus bắt khách quỳ

Luật sư phân tích hành vi tài xế bus bắt khách quỳ

Thứ 5, 27/12/2012 23:57

– Trả lời phỏng vấn Nguoiduatin.vn, luật sư Tạ Ngọc Sơn, giám đốc Cty Luật Kosy (Hà Nội) bất bình về hành vi của một lái xe bus Hà Nội khi bắt hành khách quỳ xuống xin mới cho ra khỏi xe. Ông Sơn cho biết, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Tạ Ngọc Sơn phân tích:

Pháp luật - Luật sư phân tích hành vi tài xế bus bắt khách quỳ

Luật sư Tạ Ngọc Sơn

Về khách thể của tội phạm: làm nhục người khác là hành vi của 1 người dùng lời nói hay hành động làm ảnh hưởng nghiệm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Mặt khách quan của tội phạm: tội phạm được thể hiện ở hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Đó là cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng. Việc xúc phạm này thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, xỉ nhục ở nơi đông người, bằng chữ viết, vẽ hay những hành động có tính chất bỉ ổi như nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, lột trần truồng nạn nhân …

Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện công khai trước mặt hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân.

Sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự phải đến mức nghiêm trọng thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi; vị trí và môi trường xung quanh; vị thế, vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức cũng như trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi lăng nhục đó.

Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp

Chủ thể của tội phạm: người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự

“Hành vi của tài xế xe bus có những dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác như Điều 121 Bộ Luật hình sự đã quy định. Tuy nhiên, theo luật, cần phải xem xét kỹ mức độ nghiêm trọng của hành vi thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Sơn nói.

Đối với vụ việc này, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, nếu quả đúng có sự việc lái tài xế và phụ xe chửi mắng, đánh hành khách và bắt quỳ gối thì sẽ sa thải 2 nhân viên này. Khả năng, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang Công an Hà Nội đề nghị xử lý hình sự.

Điều 121 Bộ Luật Hình sự - “Tội làm nhục người khác”:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Luật sư Tạ Ngọc Sơn

(Công ty Luật Kosy – 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.