Luật sư phân tích vụ mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở Hà Nam

Luật sư phân tích vụ mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở Hà Nam

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 5, 15/03/2018 07:33

Sự việc mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở Hà Nam đã nhận được sự quan tâm của dư luận, PV báo Người Đưa Tin cũng đã trao đổi thêm với Ths.Ls Đặng Văn Cường để nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý.

Thông tin về clip mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận 24 giờ qua.

Xác nhận với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Phạm Kiên Cường, Trưởng Công an huyện Duy Tiên cho hay có chuyện đánh ghen, tuy nhiên nạn nhân trong sự việc đã chuyển đi nơi khác.

Luật sư phân tích vụ mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở Hà Nam

Người phụ nữ trung niên trong clip đánh ghen hộ con dâu gây xôn xao cộng đồng mạng (Ảnh cắt từ clip).

Trước thông tin này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi việc nạn nhân đã bỏ đi thì có xử lý được hai mẹ con? Hoặc hai mẹ con đánh ghen như vậy có bị xem xét về tội làm nhục người khác hay không?

Để hiểu rõ hơn về những thắc mắc này, PV báo Người Đưa Tin cũng đã trao đổi với Ths.Ls Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo Ths.Ls Đặng Văn Cường, hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều clip đánh ghen được đăng tải trên mạng xã hội, khiến dư luận xã hội quan tâm và có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về vụ việc.

Dưới góc độ xã hội, đó là một hành động thể hiện xung đột xã hội, trường hợp giải quyết mâu thuẫn cá nhân tự phát bằng con đường bạo lực. Họ cho rằng "đánh phủ đầu" như vậy là để "răn đe" kẻ "thứ ba" vì đã phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, phần là vì tâm lý hờn ghen, trả thù...

Thậm chí, nhiều trường hợp người đánh ghen còn nhờ người khác ghi clip rồi đăng trên mạng xã hội để "cảnh cáo" nhằm bêu xấu tình địch, hay có trường hợp còn tự mình đăng tải thông tin, hình ảnh đánh ghen... Nhiều người hả hê, đồng tình với hành động này vì cho rằng người đánh ghen đó đã "thế thiên hành đạo", răn đe với các "hồ ly tinh", để bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ và bảo vệ hạnh phúc gia đình nói chung...

Số còn lại thì phản đối theo kiểu "tự xử" manh động như vậy, họ có xu hướng buông xuôi hoặc giải quyết vấn đề bằng pháp luật hoặc bằng con đường hòa bình, người thì cho rằng người đáng bị đánh ghen, trừng phạt là người đàn ông bội bạc chứ không phải là cô nhân tình...

Vụ việc đánh ghen, tung ảnh, clip lên mạng xã hội cứ thường xuyên diễn ra và tâm lý, quan điểm của cộng đồng mạng cứ xoay quanh đó để bàn tán, bình phẩm, người khen, kẻ chê... tạo thành những luồng quan điểm khác nhau.

Luật sư phân tích vụ mẹ chồng đánh ghen hộ con dâu ở Hà Nam (Hình 2).

Ths.Ls Đặng Văn Cường cho rằng đánh ghen là hành vi vi phạm pháp luật.

Ths.Ls. Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Dưới góc độ pháp luật, rõ ràng hành vi đánh ghen là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hành vi và hậu quả xảy ra mà người đánh ghen (đánh người, đánh nhau, lôi kéo người khác đánh nhau...) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể là chế tài hành chính hoặc hình sự.

Nếu là hành vi đánh nhau (hai bên thực hiện hành vi với mục đích gây thương tích cho nhau), chưa tới mức nghiêm trọng thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt có thể lên tới 3 triệu đồng.

Nếu là hành vi đánh người, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu hậu quả gây thương tích cho người khác đủ tỷ lệ thương tích có thể khởi tố, sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.

Còn nếu hành vi chưa tới mức có thể xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích, vẫn có thể khởi tố về tội Làm nhục người khác. Tất cả những người tham gia đánh ghen (lột quần, áo, cắt tóc, đánh đập, đăng lên mạng xã hội) đều bị xử lý về cùng một tội danh với vai trò đồng phạm”.

Ths.Ls. Đặng Văn Cường thông tin thêm, để xử lý được về tội Cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình Sự), người bị hại cần trình báo sự việc với cơ quan công an và phải tiến hành thủ tục giám định để xác định thương tích. Nếu người bị hại không trình báo, không phối hợp với cơ quan điều tra để xác định tỷ lệ thương tích thì không có cơ sở để xử lý hình sự với các đối tượng cố ý gây thương tích.

Đối với tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình Sự) cũng cần phải có đơn trình báo của người bị hại. Nếu người bị hại không có đơn trình báo, không yêu cầu cơ quan công an xem xét xử lý các đối tượng đánh ghen về tội Làm nhục người khác thì cũng không có căn cứ để xem xét về tội Làm nhục người khác.

“Nếu vụ việc đánh ghen thuộc khoản 2 tội Cố ý gây thương tích hoặc khoản 2, của tội Làm nhục người khác mới có thể khởi tố mà không cần có đơn của người bị hại.

Trong trường hợp này, có thể người bị hại vì xấu hổ hoặc sợ hãi mà không dám tố cáo. Còn nếu trong trường hợp người bị hại có đơn tố cáo thì những người đánh ghen sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Làm nhục người khác”, Ths.Ls Đặng Văn Cường nói thêm.

Khoản 2, Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Khoản 2, Điều 155. Tội làm nhục người khác:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.