Cụ thể, luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: "Tội Giết người được quy định tại điều 93, luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và được quy định tại điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động".
"Cụ thể hơn, hành động thường được biểu hiện như: Đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống v.v… Một số hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ, một y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để người bệnh chết mặc dù người y tá này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc. Ở vụ thảm sát tại Bình Dương, tôi nhận thấy đối tượng có những hành động thường gặp như đâm, chém...", luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích.
Cũng theo luật sư Tuấn, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm.
Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý. Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.
Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt.
Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
"Với động cơ thù tức cá nhân, khá giống với động cơ của Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm án ở Bình Phước, tôi nghĩ một án tử đang chờ kẻ thủ ác", luật sư Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, đối tượng Trần Trọng Luận, SN 1985, ngụ tỉnh Bình Dương đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự, và có thêm tình tiết giết hại trẻ em, nên bản án cao nhất sẽ được cơ quan chức năng áp dụng là đương nhiên.
Trước đó, theo ghi nhận của báo Người Đưa Tin, ngày 25/4, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đang tạm giữ đối tượng Trần Trọng Luận, SN 1985, ngụ tỉnh Bình Dương để điều tra về việc sát hại bà Đào Thị Thu C. và hai người khác là con gái ruột của bà C. là Trần Thị Quỳnh N. (SN 2002) và người cháu ngoại là bé gái Nguyễn Thị Bảo Ng. (SN 2011).
Cơ quan Công an tỉnh Bình Dương cung cấp, Luận là đối tượng có quan hệ thân thiết với gia đình bà C.. Đối tượng thường xuyên gặp bà C. và uống cà phê tại nhà nạn nhân.
Nhưng trong quá trình trên, Luận hay dùng điện thoại mở các bộ phim nhạy cảm để xem, thì bị chị N. (con bà C.) yêu cầu đi về. Cũng từ đây, Luận tự cảm thấy mình bị coi thường, nên ôm hận.
Trong ngày 23/4, Luận đi đánh bạc thua hết tiền, nên nảy sinh ý định tự tử. Trong lúc này, nam thanh niên mới nhớ lại việc chị N. coi thường mình, nên muốn sát hại cả nhà để trút giận.
Để làm việc trên, hung thủ đã chuẩn bị rất kỹ, khi mua 3 con dao và 1 mã tấu. Luận biết giờ đi làm của con rể và con gái bà C., nên chờ khi những người này đi làm rồi đột nhập từ trên mái nhà xuống.
Lúc này, bà C. thức dậy, thấy vậy Luận lao tới dùng mã tấu chém bà C. chết tại chỗ, và tiếp tục ra tay sát hại chị N. và cháu Ng. Sau khi gây án, Luận trở về nhà tắm rửa rồi đi vứt hung khí tại một bãi đất trống cách nhà khoảng 100m, quay về nhà uống thuốc tự tử nhưng không chết.