Luật gia kỳ cựu Paul Reichler của hãng luật Mỹ Foley Hoag đã từng tham gia các vụ kiện liên quan tới Mỹ, Nga, Anh và Ấn Độ đã được Philippines mời cố vấn và tham gia vụ kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Trong bối cảnh Philippines đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS), ông Reichler đã bày tỏ ý kiến xung quanh sự kiện này trong cuộc phỏng vấn với tờ China Real Time tại Washington DC.
Chúng ta đang ở giai đoạn nào của tố tụng?
Hội đồng Trọng tài đã thông qua quy định về thủ tục tố xét xử, trong đó bao gồm có lịch trình tố tụng. Philippines sẽ nộp các hồ sơ của mình trước ngày 30/3/2014.
Paul Reichler |
Thông thường, quốc gia phải trả lời (trong trường hợp này là Trung Quốc) sẽ được cho khoảng 8 tháng để phản biện. Sau đó, theo trình tự thông thường, hai bên sẽ có một vòng đối chất thứ hai bằng văn bản mà trong đó Philippines có 4-5 tháng để nộp khiếu nại của mình và Trung Quốc cũng có khoảng thời gian tương tự để đưa ra câu trả lời.
Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không hợp tác, tòa án đã chỉ định ngày nộp các tài liệu cho riêng Philippines.
Mất bao lâu mới có kết quả?
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thông thường sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm để hoàn tất một vụ kiện từ đầu đến cuối. Trong trường hợp Trung Quốc không hợp tác sẽ tiết kiệm được thời gian, nhưng vẫn khó có thể dự đoán được thời hạn sẽ hoàn thành.
Hội đồng Trọng tài sẽ đặt mình vào vị trí của Trung Quốc và cố gắng vạch ra các khả năng mà Bắc Kinh sẽ phản đối và sau đó sẽ đưa ra các biện pháp đối phó với điều đó, cũng như mọi câu hỏi mà các thành viên của tòa án có thể đưa ra.
Theo tôi, quá trình này sẽ mất khoảng 6 đến 12 tháng. Điều đó có nghĩa là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 sang năm có thể sẽ hoàn thành vụ việc.
Nội dung chủ yếu trong vụ kiện mà Manila đưa ra là gì?
Tuyên bố cốt lõi của Philippines là:
1. Đường chín đoạn là không phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được quy định tại UNCLOS, và không chỉ ra quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông theo quy định về giới hạn trong một vùng lãnh hải 12 hải lý, thềm lục địa 200 dặm và vùng đặc quyền kinh tế.
2 . Philippines, cũng như Trung Quốc (và các quốc gia ven biển khác dọc ở Biển Đông), có chủ quyền với vùng biển nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý, thềm lục địa 200 dặm và vùng đặc quyền kinh tế.
3 . Bãi cạn Scarborough là một ám tiêu san hô, theo quy định tại Điều 121(3) của UNCLOS, nó sẽ tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý. Vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý từ bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Philippines, chứ không phải của Trung Quốc, vì nó nằm trong bán kính cách 200 km từ bờ biển của đảo Luzon.
4 . Trong tám vị trí tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng, năm trong đó là các rạn san hô ngầm hoặc chìm dưới thủy triều (mà Trung Quốc đã xây lô cốt bất hợp pháp) không tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý và ba bãi đá có vùng 12 hải lý. Kết luận là quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, cách bờ biển 200 km, là rất hạn chế. Tuyên bố chủ quyền đối với Scarborough và ba bãi đá ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp của Trung Quốc là phi pháp.
Cơ sở của các bằng chứng chống lại Trung Quốc tại tòa án?
Các trọng tài đã thừa nhận rằng tuyên bố của Philippines là có căn cứ thực tế và luật pháp. Họ có nhiều phương tiện sẵn có để làm chứng cho điều này như các bản đồ quốc tế, các nghiên cứu lịch sử pháp lý. Họ có thể thuê chuyên gia kỹ thuật để tư vấn cho họ. Họ có thể xem lại luật của Trung Quốc, nghị định, tuyên bố, lý giải về đường chín đoạn để chống lại tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông.
Foley Hoag không lo lắng về việc sẽ xúc phạm Trung Quốc sao?
Các đồng nghiệp tại Foley Hoag và tôi phải đối mặt với một sự lựa chọn: đấu tranh cho công lý, hoặc tránh thù địch với những người giàu có và thế lực.
Nếu chúng ta bênh vực thay vì kiện họ, họ sẽ trở thành khách hàng rất có lợi nhuận cho công ty chúng tôi. Nhưng vì chúng tôi là những luật sư, người đấu tranh cho công lý, chúng tôi không bao giờ do dự trong việc đưa ra những lựa chọn này.
Nếu Trung Quốc chỉ đơn giản là bỏ qua một bản án mà chống lại nó thì thế nào?
Trong hơn 95% các trường hợp kiện tụng quốc tế, các nước đều phải thi hành bản án, ngay cả khi họ không hài lòng với nó. Có ít nhất hai lý do cho việc này. Đầu tiên là uy tín và ảnh hưởng đi kèm với nó. Lý do thứ hai là nhiều quốc gia hiểu lợi thế của họ và lợi thế của những người khác đang sống trong một hệ thống dựa trên luật lệ.
Bây giờ, trong trường hợp của Trung Quốc, chúng ta thấy rằng họ là một quốc gia mạnh và đang muốn tăng ảnh hưởng của mình trên cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cũng tung hô chính nó là một quốc gia có sức mạnh vĩ đại chống chủ nghĩa đế quốc, trái ngược với Mỹ, Nga và những người khác.
Hãy thử nghĩ đến những lợi ích kinh tế sẽ đem lại cho quốc gia giàu nhất và mạnh nhất trong khu vực này nếu các tranh chấp được giải quyết và đầu tư trong khai thác tài nguyên từ Biển Đông bắt khi nó đầu được tiến hành.
Theo
Giáo dục Việt Nam