Truy cứu trách nhiệm hình sự luật sư do không tố giác thân chủ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trở thành chủ đề nóng tại phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua.
Theo đó, Điều 19 Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự - khoản 3 – quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này.
Tuy nhiên, cuối phiên thảo luận Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị ban soạn thảo, Liên đoàn Luật sư và các chuyên gia luật phải ngồi lại với nhau để "thảo luận cho thấu tình đạt lý".
Bên hành lang Quốc hội, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Chiến cũng chỉ ra: "Người dân được bảo vệ trong việc điều tra xử lý về vấn đề tội phạm nhằm chống oan sai thì đây chính là lợi ích Quốc gia, dân tộc. Nếu như luật sư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm có thể dẫn đến án oan sai. Một người dân bị hàm oan thì rõ ràng uy tín của Nhà nước bị giảm sút, do vậy, mỗi một người được phân công một vai trò, trách nhiệm, chức năng khác nhau.
Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, truy tố có chức năng thu thập chứng cứ và buộc tội. Còn luật sư có chức năng gỡ tội, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ và như thế quyền lợi ích hợp pháp của người dân được tôn trọng để tránh oan sai.
Nếu luật sư đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, do đó, không thể đòi hỏi luật sư đứng ra làm thay các cơ quan khác khi thực hiện nhiệm vụ. Như vậy là không phù hợp với việc phân công chức năng của xã hội, mỗi người thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình".
Theo đại biểu Nguyễn Chiến, Điều 19, dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm Luật luật sư mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư, như cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.
Điều 73 Luật Tố tụng Hình sự vừa được thông qua năm 2015 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án về người bị buộc tội mà mình bào chữa, nhưng Điều 19, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự lại quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa.
Đại biểu Nguyễn Chiến viện chứng: "Kinh nghiệm quốc tế thì không nước nào xử lý hình sự luật sư vì không tố giác thân chủ mà chỉ đưa ra là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Tức luật sư phải chọn lựa cung cấp thông tin tội phạm với cơ quan chức năng, còn nếu luật sư không thông tin sẽ bị xử lý về mặt đạo đức, thậm chí bị tước thẻ luật sư".
Trước câu hỏi về kế hoạch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngồi lại với ban soạn thảo bao giờ diễn ra, đại biểu Nguyễn Chiến thông tin: "Bản thân tôi trong thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đang chờ Chủ tịch Liên đoàn Luật sư họp với ban thường trực để thống nhất có kế hoạch cụ thể làm việc với ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan khác trong thời gian sớm nhất".
Vũ Phương