Chưa tôn trọng luật sư đồng nghiệp
Đó là sự việc xảy ra tại một phiên tòa mới đây ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Khi luật sư N.X.L đang trình bày quan điểm bảo vệ cho bên bị đơn thì luật sư T.C.L.T (cùng thuộc Đoàn luật sư TP HCM) bảo vệ cho bên nguyên đơn đã tự ý bỏ ra ngoài mặc dù chưa được Hội đồng xét xử cho phép. Điều đáng nói, ngay trước đó khi luật sư T.C.L.T trình bày quan điểm của mình phía luật sư bị đơn đã hết sức lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng đối với việc trình bày của luật sư nguyên đơn.
Hành động này của luật sư T.C.L.T là sự việc hy hữu xảy ra ở một phiên tòa. Bởi lẽ, theo một quy tắc thông thường khi luật sư phía bên kia trình bày quan điểm bảo vệ thì luật sư phía đối lập sẽ lắng nghe, theo dõi nhằm đảm bảo có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Sự lắng nghe này cũng thể hiện sự tôn trọng của luật sư trong quan hệ với luật sư đồng nghiệp.
Ghế ngồi luật sư để trống khi luật sư tự ý bỏ ra ngoài. (Ảnh đã được làm mờ)
Việc luật sư T.C.L.T tự ý bỏ ra ngoài sẽ có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng bởi có thể luật sư sẽ bỏ lọt những chi tiết mà mình không được nghe. Đặc biệt tại phiên tòa mặc dù sự nhắc nhở của của chủ tọa phiên tòa nhưng luật sư sau khi tự ý đi ra ngoài đã cho rằng vì luật không quy định nên không nhất thiết phải ở lại lắng nghe.
Trao đổi, đánh giá về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Vấn đề luật sư tự ý bỏ ra ngoài, luật và bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư không quy định cụ thể. Tuy nhiên nếu luật sư ứng xử như vậy là thiếu tôn trọng đối với cơ quan tố tụng. Tùy từng trường hợp mà đại diện viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử nhắc nhở, cảnh cáo luật sư”.
“Theo tôi trong trường hợp này luật sư bên còn lại cũng có quyền phản đối hành vi ứng xử tự ý bỏ ra ngoài của luật sư”, luật sư Dũng cho biết thêm.
Luật gia Nguyễn Hữu Thực, thuộc Thành hội luật gia Hà Nội cũng cho rằng: Mặc dù luật không có quy định nào điều chỉnh cụ thể việc luật sư bên này phải ngồi lắng nghe luật sư bên kia trình bày. Nhưng trong một phiên xử án, chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa, luật sư phải tôn trọng chủ tọa, tôn trọng Hội đồng xét xử. Xét về yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong mối tương quan với khách hàng, hành động đó là thiếu trách nhiệm với quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, trong mối quan hệ với đồng nghiệp đó là sự khiếm nhã, không nên có.
“Văn hóa” tranh luận tại phiên tòa và cách ứng xử văn minh của luật sư tại tòa là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hình ảnh của luật sư nói riêng và giới luật sư nói chung. Do đó, việc luật sư có những hành động “bất mãn” tại tòa, hay tự ý bỏ ra ngoài khi đồng nghiệp trình bày quan điểm bảo vệ có lẽ là điều không nên có.
Tranh chấp dân sự hay thương mại: Tòa, Viện “đá” nhau
Cũng tại phiên tòa đặc biệt ngày 4/10 ở quận Bình Thạnh trong khi phía Tòa án có quan điểm cho rằng vụ án là quan hệ dân sự và phải coi đây là tranh chấp dân sự thì Viện kiểm sát lại một mực khẳng định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại.
Hình ảnh một phiên tòa công khai.
Tại quyết định đưa vụ án ra xét xử TAND cho rằng tranh chấp giữa bên nguyên đơn và bên bị đơn là “tranh chấp hợp đồng thuê nhà”. Người cho thuê là một cá nhân, hộ gia đình còn bên thuê nhà là một công ty, do những phát sinh trong quá trình trả tiền thuê nhà đã dẫn đến tranh chấp.
Tuy nhiên, khi xác định quan hệ tranh chấp phía đại diện Viện kiểm sát nhận định: Nguyên đơn (phía bên thuê nhà) cho rằng mục đích thuê là để làm văn phòng và cho thuê lại. Sau đó bên thuê nhà lại cho một doanh nghiệp khác thuê lại nên đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại?
Cần phải lưu ý rằng cả nguyên đơn và bị đơn không tranh chấp với người thứ ba. Đây là chỉ tranh chấp “trực tiếp” giữa người có tài sản cho thuê và đơn vị thuê.
Luật gia Giang Văn Quyết, chi hội luật gia Đông Đô phân tích: Nếu lấy lý do bên thuê nhà, cho một doanh nghiệp khác thuê nhà để xác định đây là tranh chấp thương mại là chưa hợp lý. Bởi lẽ trong mối quan hệ với doanh nghiệp khác cả nguyên đơn và bị đơn không hề phát sinh tranh chấp.
Tranh chấp thương mại là các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Cho nên nói hoạt động cho thuê nhà đơn thuần của cá nhân, hộ gia đình phục vụ những lợi ích cơ bản của gia đình là tranh chấp kinh doanh thương mại thì có phần khiên cưỡng và không thỏa đáng.
Quy tắc 16. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp 16.1. Luật sư phải có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. Việc phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng; 16.2. Luật sư có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư; 16.3. Khi nhận vụ việc, nếu biết đã có đồng nghiệp nhận vụ việc này từ trước, luật sư tránh tác động để khách hàng chọn lựa mình; nếu khách hàng từ chối đồng nghiệp và chọn lựa mình, luật sư có trách nhiệm yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu chấm dứt Hợp đồng dịch vụ với đồng nghiệp trước khi luật sư nhận vụ việc đó. (Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư) |
Băng Tâm