Luật sư "vòi vĩnh" sẽ không còn đất sống

Luật sư "vòi vĩnh" sẽ không còn đất sống

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Một số đại biểu cho rằng cần phải bổ sung quy định cấm cản trở, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho luật sư khi hành nghề.

Được xem là đã tiếp thu, ghi nhận, bổ sung hầu hết các ý kiến đóng góp từ kỳ họp thứ 3, trong kỳ thứ 4 Quốc hội khóa XIII, hôm 23/10, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã được đưa lên bàn nghị sự để các đại biểu quốc hội tham gia đóng góp ý kiến. Đánh giá cao những điểm đã được sửa đổi bổ sung, song vẫn có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét điều chỉnh một số nội dung quan trọng...

Nhịp sống - Luật sư 'vòi vĩnh' sẽ không còn đất sống

Luật sư sẽ hết cửa vòi vĩnh thân chủ

Ngăn chặn hành vi ảnh hưởng đến an ninh

Có lẽ một trong những điều được sửa đổi bổ sung có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến mối quan hệ đặc thù luật sư - thân chủ là việc quy định rõ trách nhiệm quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của hai bên trong việc tham gia các hoạt động, dịch vụ pháp lý.

Theo đó, Điều 9 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư, nghiêm cấm luật sư khi hành nghề: "Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào của khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý". Có ý kiến cho rằng, trên thực tế, ngay khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, vẫn có trường hợp tiến hành làm phụ lục hợp đồng với những khoản thu khác chỉ có trong… phụ lục hợp đồng.

Lâu nay, mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ là mối quan hệ có tính chất đặc thù. Trên thực tế, ngoài nội dung hợp đồng ký kết bằng văn bản, đôi khi vẫn có những thỏa thuận, giao ước ngầm giữa hai bên. Đặc biệt, trong những vụ việc liên quan đến tranh chấp, phân chia tài sản. Vì vậy, các quy định cấm này trong dự thảo Luật Luật sư sửa đổi được xem là khá thiết thực trong việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của khách hàng trong các giao dịch, dịch vụ pháp lý có vai trò của luật sư. Mặt khác, cũng giúp các luật sư yên tâm hành nghề.

Các hành vi bị nghiêm cấm của luật sư khi hành nghề cũng là điều thu hút sự quan tâm của các đại biểu, đồng thời cũng là điểm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội hiện nay. Tuy điều cấm còn khá chung chung, nhưng cũng thể hiện rõ sự quan tâm của các nhà làm luật đối với vấn đề luật sư sách nhiễu, lừa dối khách hàng. Đồng thời, ngoài những mối quan hệ trong công việc mang tính cá nhân giữa thân chủ và luật sư, vấn đề vai trò, trách nhiệm xã hội, hành vi bị cấm của luật sư cũng được đưa vào luật trong lĩnh vực này.

Theo đó, nghiêm cấm luật sư lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng được xem là quy định cần thiết, phù hợp với thực tiễn, góp phần ngăn chặn, răn đe những hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội của một số luật sư trong thời gian qua.

Nhịp sống - Luật sư 'vòi vĩnh' sẽ không còn đất sống (Hình 2).

Nhiều vấn đề liên quan đến dự án Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung được đưa ra mổ xẻ tại Quốc hội

Muốn hành nghề phải... "học việc" nhiều hơn

Đại biểu QH tỉnh Gia Lai, bà Siu Hương phát biểu: "Điều quan trọng là luật sư được va chạm thực tiễn, tiếp xúc thực tiễn, không nên kéo dài thời gian lý thuyết nhiều quá. Trong trường hợp nhất thiết phải quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng. Thời gian tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư tăng lên 24 tháng mới hợp lý vì nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng hành nghề thực tập nhiều hơn so với học lý thuyết."

Cũng theo quan điểm của bà Siu Hương thì thời gian đào tạo hành nghề chỉ bằng thời gian tập sự là không hợp lý. Còn đại biểu Giàng Thị Bình, đoàn Lào Cai thì cho rằng: "Trước những đòi hỏi thực tế, mục tiêu của việc sửa đổi một số điều của Luật Luật sư là phải làm rõ hơn, cụ thể hơn, đầy đủ hơn nội hàm của tôn chỉ, hoạt động luật sư là lợi ích của khách hàng chỉ có thể được bảo vệ, bảo đảm trong khuôn khổ luật pháp và bằng pháp luật."

Đồng quan điểm với nhiều đại biểu khác, đại biểu Giàng Thị Bình cho rằng: "Điều 14 tập sự hành nghề luật sư, dự thảo luật quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư 12 tháng theo tôi là quá ngắn. Bởi vì hành nghề luật sư là hoạt động thực tiễn cần có nhiều thời gian tiếp cận thực tế để va chạm, tích lũy trình độ nghiệp vụ cũng như kỹ năng hành nghề để tham gia bào chữa đạt chất lượng hơn. Mặt khác, có đối tượng là sinh viên mới ra trường tham gia ngay khóa học luật sư nên chưa có thời gian tiếp xúc với thực tiễn. Một người muốn được trở thành thẩm phán phải có ít nhất 5 năm công tác trong ngành tòa án, sau đó phải trải qua 12 tháng học nghề, có chứng chỉ mới có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán. Do đó, theo tôi nâng thời gian tập sự của luật sư lên 2 năm là phù hợp."

Trên tinh thần này, có thể hiểu các đại biểu mong muốn kéo dài thời gian tập sự luật sư trước khi chính thức vào nghề. Điều đó không những đảm bảo kỹ năng cho chính luật sư, mà còn đảm bảo cho người có nhu cầu nhờ cậy luật sư thực sự yên tâm.

Ý kiến thu hút sự quan tâm khác là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh. Ông Nghĩa tán thành nhiều điểm sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật, đặc biệt việc tăng cường một bước vai trò của luật sư trong chức năng góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Qua đó nhà nước ta khẳng định trách nhiệm trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và các công ước quốc tế. Đây là vinh dự cũng là trách nhiệm thúc đẩy giới luật sư phải phấn đấu vươn lên hơn nữa về chuyên môn và đạo đức. Tuy nhiên ông Nghĩa cũng cho rằng, nghề luật sư hiện nay vẫn khó khăn và lại còn nguy hiểm, đã xảy ra các vụ luật sư bị xúc phạm, hành hung, tạt axit…

Mặt khác, ông này cũng chỉ ra trong quy định hiện nay ở Điều 9 có đến 10 điều cấm đối với luật sư, nhưng chỉ có một điều cấm cản trở nghề luật sư. Như vậy là không công bằng. Đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung: Cấm và nghiêm trị những hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn, làm chậm trễ việc hành nghề luật sư.

Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc, lấy phiếu thăm dò và xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước khi thông qua toàn bộ dự án luật nay

Khó đạt số lượng đề ra

Đại biểu Nghĩa cho rằng: "Nghề luật sư tuy cao quý nhưng không đủ sức hấp dẫn giới trẻ, do đó có khả năng không đạt được chỉ tiêu số lượng 15.000 đến 20.000 luật sư đến năm 2020 như chiến lược phát triển nghề luật sư do Thủ tướng ban hành. Có một thực tế trên thế giới là một quốc gia không có nghề luật sư phát triển, đội ngũ luật sư mạnh, thì không thể có một nền công lý mạnh, không có một nền dân chủ đầy đủ cho nhân dân và không thể trở thành nước phát triển được. Tất nhiên, không chỉ có Luật Luật sư, sắp tới, chúng tôi còn đề nghị Hiến pháp (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng lưu ý về điểm này."

Đông Phương - Ngân Giang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.