Cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư
Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Năm 2024, Thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD. Trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Thành phố sẽ thu hút đầu tư FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực.
Thực tế, dòng vốn đầu tư FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên về số lượng và sâu hơn về chất lượng. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hút 1,12 tỷ USD vốn FDI, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.
Tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND Tp.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 1/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã đề nghị HĐND Tp.Hà Nội tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Tp.Hà Nội đã ban hành, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024.
Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Hà Nội cần nắm bắt tốt cơ hội, khai thác tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước…
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Đơn cử như dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm của Thủ đô; Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho Tp.Hà Nội, như được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Đặc biệt, cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực.
Khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá cao Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rất đúng tinh thần là tạo một khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư và tạo các nguồn lực cho phát triển Thủ đô xứng tầm.
Theo ông Cường, khi sửa đổi Luật, các cơ quan, đại biểu đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình cũng như nhân dân cả nước vào các cơ chế, chính sách để Thủ đô của cả nước phát triển.
Trên cơ sở đó, với Tp.Hà Nội, sửa đổi Luật Thủ đô là thực hiện trọng trách, sứ mệnh được nhân dân, cử tri và các địa phương trong xây dựng Thủ đô trở thành bộ mặt đại diện cho cả nước.
Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đồng thời thảo luận 3 nội dung rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và Luật Thủ đô. Đây là một cơ hội rất hiếm có, để tạo ra bứt phá, tạo định hướng và cơ sở pháp lý để thực hiện những định hướng này.
Quy hoạch Thủ đô chính là tạo ra những định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho Thủ đô, để đưa Thủ đô trở thành một hình ảnh đại diện của quốc gia, xứng tầm so với Thủ đô của các nước khác trên thế giới.
Còn Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút FDI.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện rõ tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội kỳ vọng tạo ra bước phát triển vượt trội bứt phá, vượt trội, trong đó có thu hút đầu tư.
Về cơ bản, phát triển Thủ đô là cả quá trình chứ không thể đong đo bằng thời gian ngắn. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2045 là nước thu nhập cao, ngang tầm với các nước phát triển. Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Hà Nội là Thủ đô đứng hàng đầu các nước trong khu vực, ngang tầm với Thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới.
“Lộ trình đó đạt được hay không phụ thuộc vào khai thác quy chế, cơ chế đã được đưa ra đặc thù vượt trội cho Thủ đô, đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của chính quyền Thủ đô trong chuyển đổi mà còn sự tập trung nguồn lực rất lớn của xã hội để tạo ra bộ mặt cho đất nước thực sự đột phá, xứng tầm với nước phát triển vào năm 2045”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) nhìn nhận, với tinh thần Hà Nội vì cả nước, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế một chương riêng để phát triển vùng theo hướng thể hiện rõ vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Bà Mai cũng đồng tình quy định huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô. “Việc cho phép Thành phố thực hiện thí điểm, tạo lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học - công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ là phù hợp”, bà Mai cho hay.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng CIEM đánh giá, các dự án FDI hiện nay chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định.
Theo ông Thành, để thu hút nguồn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI.
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Mở rộng các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư.