Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao đã kéo giá phân trong nước bị đẩy lên đáng kể. Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, là một mặt hàng toàn cầu nên giá phân bón bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn.
Trong đó có thể nhắc tới nhiều yếu tố như ảnh hưởng dịch Covid-19, các chi phí như giá khí tự nhiên, giá dầu tăng đột ngột, chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt. Nguyên nhân nữa là do lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu thực hiện kiểm soát xuất khẩu đã gây áp lực lên giá cả.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn nêu trên, ngành phân bón trong nước còn chịu áp lực, khó khăn lớn từ tác động của Luật Thuế số 71/2014. Luật này quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ ngày 1/1/2015.
Thực tế, trước khi có Luật thuế 71, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.
Theo TS. Phùng Hà, việc áp dụng Luật thuế 71 khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn, Nhà nước cũng thất thu do không thu được thuế VAT với mặt hàng sản xuất trong nước lẫn hàng nhập khẩu.
“Bởi lẽ, khi doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất phân bón, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao”, ông Hà cho hay.
Thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính cũng chỉ ra, số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón cũng chia sẻ việc không được khấu trừ thuế đầu vào đã khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã liên tục kiến nghị sửa đổi Luật thuế 71 để sớm đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế VAT từ 0 - 5%. “Điều này sẽ đem lại “lợi ích kép” cho cả doanh nghiệp và nông dân”, đại diện Hiệp hội phân bón nhìn nhận.
Trong một cuộc toạ đàm hồi tháng 8 vừa qua, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, Luật thuế 71 dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên.
Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất sự cần thiết thay đổi chính sách thuế. Do đó, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và không ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Tương tự, phía Bộ Công Thương cũng đã có kiến nghị đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Cũng liên quan đến chính sách thuế cho ngành phân bón, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Tuy nhiên đề xuất này đang nhận được một số phản hồi trái chiều.
Chính vì thế Bộ này cho biết sẽ “xem xét lại” dựa trên tổng hợp ý kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ phương án thuế đối với mặt hàng này.