Nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo
Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.
Gửi tham luận tới hội nghị, Bộ Tài chính cho biết căn cứ kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Thông báo số 1486 Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 18/7/2023, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 150/TTr-BTC về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 thông qua đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nội dung đề xuất tại dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài mục tiêu kịp thời giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tế còn có mục tiêu mở rộng cơ sở thuế (mở rộng đối tượng chịu thuế và điều chỉnh tăng thuế suất) nên sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, khó nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất, về phía cơ quan soạn thảo: Các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Về phía các cơ quan phối hợp, đề nghị các Bộ ngành, các Uỷ ban của Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo, phối hợp tham gia trong quá trình xây dựng Luật để Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đảm bảo có chất lượng và trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ngày 18/7/2023, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 152 về đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Ngày 28/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 thông qua đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để gửi Bộ Tư pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bộ Tài chính cũng cho hay, một số nội dung đề xuất tại dự án Luật thuế giá trị gia tăng có thể sẽ dẫn đến phản ứng từ các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.
Thực tế thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã phải ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thực hiện an sinh xã hội, như tại Nghị quyết số 101 ngày 24/6/2023 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã cho phép tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị, về phía cơ quan soạn thảo: Các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Về phía các cơ quan phối hợp, đề nghị các Bộ ngành, các Uỷ ban của Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo, phối hợp tham gia trong quá trình xây dựng Luật để Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đảm bảo có chất lượng và trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Chuẩn bị các đánh giá tác động
Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đã có công văn số 2298/BTC-CST ngày 13/3/2023 lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật; trên cơ sở đó đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh; bên cạnh đó dự kiến sẽ phải rà soát lại, đánh giá kết quả tổng thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành để trên cơ sở đó đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo cải thiện môi trường đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới và thông lệ quốc tế.
Do đó, khối lượng công việc sẽ rất nhiều như tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật; rà soát, tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật; rà soát tổng thể các quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tại các luật chuyên ngành có mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặt khác, liên tục tổng hợp các ý kiến đóng góp của các cơ quan, Bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ về đề xuất sửa đổi luật cũng như chuẩn bị nội dung trả lời báo chí, truyền thông,... tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề có liên quan để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật; chuẩn bị các đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, đến thu ngân sách Nhà nước của các nội dung đề xuất sửa đổi theo quy định.
Bộ Tài chính kiến nghị về phía cơ quan soạn thảo các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung của Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền.
Về phía các cơ quan phối hợp, đề nghị các Bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội quan tâm, có ý kiến chỉ đạo, phối hợp tham gia trong quá trình xây dựng Luật để Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đảm bảo có chất lượng và trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 81, Bộ Tài chính đã có công văn số 13827 gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, trình Chính phủ về báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế tài nguyên.
Ngày 16/3/2023, Chính phủ đã có Báo cáo số 71 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81. Trong đó, đã đề xuất xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2026.