Đòn thị uy sức mạnh
Cuối tuần trước, quân đội Nga đã tiến hành phóng 4 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), một phần trong cuộc tập trận thường kỳ của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, thông báo của bộ Quốc phòng Nga cho biết.
“Một tổ đội thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol từ sân bay Plesetsk hướng về phía trường bắn Kura ở Kamchatka”, bộ Quốc phòng Nga cho hay. Tên lửa trên được phóng từ thiết bị phóng di động theo phương thẳng đứng. Sân bay Plesetsk được đặt tại Arkhengelsk Oblast, cách khoảng 800km về phía Bắc Thủ đô Moscow.
Bên cạnh đó, “một tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương cũng tiến hành phóng một loạt hai tên lửa đạn đạo từ Biển Okhotskh hướng về phía trường bắn Chizha ở vùng Arkhangelsk. Một tàu ngầm khác của Hạm đội Phương Bắc cũng phóng một tên lửa đạn đạo từ biển Barents về phía Kura”, Bộ này cho biết thêm.
Cuộc tập trận này còn có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh gồm Tu-160, Tu-85MS và Tu-22MZ. Những máy bay này đã phóng tên lửa điều hướng xuống các mục tiêu trên mặt đất được đặt tại bãi thử Kura, Pemboi, nằm ở phía Đông Bắc khu vực Komi và Tereka ở Kazakhstan.
Điều đáng nói, báo cáo cho hay, toàn bộ số tên lửa được phóng đi đã triệt hạ thành công các mục tiêu giả định. Trừ tên lửa Topol-M, bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ chủng loại những tên lửa được phóng trên không và từ biển. Kremlin cũng không nêu rõ về lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đã tham gia tập trận.
Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga được cấu thành từ 3 nhân tố trụ cột là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất.
Cuộc tập trận lần này nhằm kiểm tra và đánh giá khả năng phối hợp tác chiến giữa tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân của hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương cùng máy bay ném bom chiến lược của Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga.
Sau khi có thông tin Moscow tiến hành cuộc tập trận này, truyền thông phương Tây tỏ ra lo ngại. Tờ Independent của Anh cho hay, chỉ một tên lửa RS-28 Sarmat của Nga đã đủ sức hủy diệt hoàn toàn nước này.
Trong khi Nga có tới hàng ngàn tên lửa cùng loại. Tờ báo cũng nhấn mạnh, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp tham gia cuộc tập trận và chỉ đạo phóng tên lửa cũng cho thấy sự chú trọng của Kremlin đối với sức mạnh hạt nhân chiến lược của quốc gia.
Lời cảnh báo về khả năng “trả đòn”
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang liên tục gia tăng tích tụ quân sự ở gần biên giới Nga.
Trong một thông báo mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, các lực lượng quân đội nước ngoài tập trung ở gần biên giới Nga trong 3 tháng cuối năm 2016 đã tiến hành tổng cộng hơn 30 cuộc tập trận ở lãnh thổ các quốc gia Đông Âu và Baltic. Ông cho hay, 4 tiểu đoàn chiến thuật đa quốc gia của NATO với quân số lên tới 5.000 người đã được triển khai ở khu vực Pribaltic và Ba Lan, sát sườn Nga.
Do đó, cuộc tập trận do đích thân ông Putin chỉ huy khai hỏa là một lời cảnh báo về khả năng “trả đòn” của Moscow nếu phương Tây không dừng các hành vi khiêu khích ở phía sườn Tây.
Nga muốn khẳng định mọi nỗ lực gây áp lực bằng quân sự hoặc những hành vi gây đe dọa tới an ninh quốc gia của nước này sẽ đều gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ ngay lập tức.
Ngoài thông điệp nêu trên, ông Igor Korochenko, thành viên Hội đồng cố vấn bộ Quốc phòng Nga, cũng lưu ý, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Moscow đang nỗ lực tái vũ trang lực lượng hạt nhân chiến lược.
Kremlin đang tạo ra thế cân bằng với Mỹ trong quá trình phát triển sức mạnh hạt nhân, đó là chưa kể Nga luôn được đánh giá cao hơn về công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân phân hướng.
Bên cạnh đó, các phương tiện phóng của Moscow cũng đa dạng hơn và số lượng đầu đạn hạt nhân họ sở hữu cũng lớn hơn đáng kể so với Mỹ.
Với 3 thành tố trụ cột tạo nên sức mạnh răn đe hạt nhân, Nga có khả năng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn trong vài tích tắc mà không một hệ thống đánh chặn nào có khả năng kháng cự nổi.
Dù vậy, Nga vẫn đang tiếp tục thể hiện thiện chí hòa bình và tạo cơ hội cho các quốc gia phương Tây chủ động giảm bớt các hành vi khiêu khích, tránh một cuộc xung đột dẫn tới những hậu quả không ai mong muốn.
Xem thêm: Syria: Chiến dịch “Nhổ tận gốc” của Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học IS