UBND Tp.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 84 về việc thành phố đặt mục tiêu tổng quát thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%.
Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu. Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỉ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, UBND Hà Nội đề ra giải pháp tăng cường nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, gồm: bổ sung, hoàn thiện các chính sách mang tính chủ động, phòng ngừa thất nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho người lao động; quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả đóng vai trò đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn Hà Nội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, quản trị, vận hành thị trường lao động và tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia học nghề và các hoạt động giao dịch việc làm, người sử dụng lao động dễ tiếp cận cung lao động.
Hơn nữa, cần chú trọng đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng xã hội học tập; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đối với phục hồi và ổn định thị trường lao động, cần phải bám sát thực tiễn, quản trị nguồn nhân lực chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển thị trường lao động với các thị trưởng khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cung - cầu lao động.
Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư vào Hà Nội.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, tạo nhiều việc làm mới có năng suất, chất lượng cao.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.