Thập niên lụi tàn của những "số 9"
Dòng chảy biến thiên cuồn cuộn và bất tận của chiến thuật bóng đá liên tục sản sinh ra những khái niệm mới, đồng thời là vị trí mới. Thập niên 2010 vừa qua là quãng thời gian của Juego de Posicion và Gegenpressing.
Diễn giải một chút, Juego de Posicion tạm dịch là lối chơi định hướng vị trí, dựa trên các yếu tố kiểm soát (kiểm soát bóng, kiểm soát không gian) và thao túng (thao túng vị trí, thao túng thế trận). Nhà cầm quân nổi bật nhất của trường phái này là Pep Guardiola.
Người ta vẫn thường nhầm tưởng tiqui-taca là Juego de Posicion. Thực tế, tiqui-taca chỉ là hình thức bên ngoài, thể hiện bằng những pha ban bật nguyễn. Juego de Posicion mới là phương thức thể hiện ý đồ của Guardiola, cũng như các chiến lược gia đi theo trường phái này. Chính Pep từng tuyên bố xanh rờn: “Tiqui-taca là rác rưởi”.
Gegenpressing dễ hiểu hơn, tạm dịch là chiến thuật gây áp lực cao tần tầng cao, chính là lối chơi khắc chế Juego de Posicion. Sau khi mất bóng hoặc trong tình huống đối phương phát bóng, thay vì lùi sâu đội hình phòng ngực vô tình tạo không gian và thời gian cho đối phương kiểm soát và thao túng, đội bóng sử dụng Gegenpressing sẽ lập tức pressing (gây áp lực) kịch liệt (cao tần - tần số cao) ngay 1/3 cuối sân, không cho đối phương không gian và thời gian để triển khai Juego de Posicion. Jurgen Klopp chính là hiện thân của đấu pháp này.
Khi Juego de Posicion và Gegenpressing ra đời và trở thành chiến thuật thời thượng, các vị trí mới cũng ra đời theo để đáp ứng đòi hỏi của đấu pháp mới. Juego de Posicion là “số 9 ảo”. Gegenpressing là tiền đạo quét. Ngoài ra, cả hai chiến thuật này đều ưu tiên sử dụng sơ đồ 4-3-3, thế nên thập niên vừa qua chứng kiến sự lên ngôi của những tiền đạo cánh nghịch chân.
Ngược lại, những trung phong không còn nhiều đất diễn và dần lụi tàn. Minh chứng sống động cho việc bức tử “số 9” là quyết định loại bỏ Zlatan Ibrahimovic, bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Barca để lấy chỗ cho “số 9 ảo” Messi của Pep Guardiola.
Tổng quát hơn, nếu nhìn vào những trung phong tiêu biểu của bóng đá thế giới hơn chục năm qua, dễ nhận ra thế hệ nổi bật nhất vẫn là những cầu thủ sinh vào cuối thập niên 1980. Có thể kể đến Luis Suarez, Robert Lewandowski, Karim Benzema hay Sergio Aguero.
Hậu sinh của lứa trung phong này, bẵng đi một thời gian rất dài, gần như gói gọn thập niên 1990, bóng đá không chứng kiến thêm “số 9” nào thực sự xuất chúng. Nhắc đến những chân sút sinh trong thập niên 1990, chỉ có thể điểm qua vài gương mặt khá khẩm đôi chút như Harry Kane, Alvaro Morata hay Romelu Lukaku, với phần đa là những cái tên gây cười nhiều hơn là gây ấn tượng về khả năng săn bàn.
Cho đến cuối thập niên 1990 đầu 2000, bóng đá mới sản sinh trở lại những trung phong tiềm năng và đang dần tái khẳng định vị thế của “số 9” trong thế giới bóng đá. Đó là Erling Haaland, Kylian Mbappe hay Darwin Nunez. Hiện tượng này cũng không nằm ngoài xu thế và sẽ mạn đàm ở một bài viết khác.
Diễn viên hài tốn kém
Trở lại với thế hệ lụi tàn của những “số 9”, Lukaku có thể xem là biểu tượng. Tiền đạo này sinh ngày 13/5/1993, tức vừa bước qua tuổi 29. Thật khó để tin rằng tiền đạo như thể đã chơi bóng từ thời tiền sử này chưa bước qua tuổi 30. Bởi có sự thật rằng sự nghiệp của Lukaku đã vắt qua 3 thập niên (2000, 2010 và 2020), và thi đấu đỉnh cao trọn vẹn trong thập niên 2010 của Juego de Posicion và Gegenpressing.
Ấn tượng về Lukaku là gì? Đầu tiên là thân hình hộ pháp. Tiền đạo này cao 1m91 và nặng hơn 100kg. Người hâm mộ vẫn chuyền tay nhau về những câu chuyện nói dóc về “sự khủng” của Lukaku như: “Khi Bruce Banner nổi giận, anh ta biến thành Hulk. Khi Hulk nổi giận, anh ta biến thành Lukaku”. Vì to lớn, Lukaku rất cồng kềnh. Anh cồng kềnh từ hình thể, cách xử lý bóng cho đến suy nghĩ. Trên thế giới, chẳng ai sút bằng động tác khống chế bóng hay bật tường với chính mình như tiền đạo người Bỉ. Điều đó dẫn đến ấn tượng thứ hai, sự hài hước. Lukaku có lẽ là diễn viên hài vĩ đại nhất trên sân cỏ.
Vì to lớn và hài hước, nuôi Lukaku rất tốn. Everton mua Lukaku từ Chelsea với giá 35,36 triệu euro. MU mua Lukaku từ Everton với giá 84,7 triệu euro. Inter mùa Lukaku từ MU với giá 74 triệu euro. Chelsea mua lại Lukaku từ Inter với giá 113 triệu euro. Tổng phí chuyển nhượng của Lukaku là 325,56 triệu euro, cao nhất lịch sử bóng đá.
Và mới đây, Chelsea đạt thỏa thuận tống tiễn lại Lukaku về Inter theo một thỏa thuận cho mượn trị giá hơn 10 triệu euro. Thế nên số tiền các CLB bỏ ra để có sự cồng kềnh và hài hước của tiền đạo người Bỉ chắc chắn tiếp tục tăng.
Tất nhiên, không hẳn không có lý do để các đội bóng đua nhau đốt tiền để chiêu mộ Lukaku. Xuyên suốt sự nghiệp, tiền đạo này đã ghi 266 bàn thắng sau 552 trận cho các CLB, 68 bàn thắng sau 102 trận cho đội tuyển quốc gia Bỉ, thành tích rất ấn tượng trong thời buổi khan hiếm trung phong. Đứng quên, Lukaku từng ghi 68 bàn chỉ sau 141 trận tại Premier League cho Everton hay 47 bàn chỉ sau 72 trận cho Inter tại Serie A.
Nhưng lạ ở chỗ, cứ đầu quân cho những ông lớn tại Premier League là y như rằng Lukaku “xịt”. 2 mùa khoác áo MU, tiền đạo người Bỉ chỉ ghi 28 bàn sau 66 trận tại Ngoại hạng Anh. Mùa giải vừa qua trong màu áo Chelsea càng bi đát, với vỏn vẹn 8 bàn sau 26 trận.
Vấn đề không khó để nhận ra là Lukaku quá cồng kềnh. Tiền đạo người Bỉ từng thành công vang dội ở Everton vì đội bóng này chỉ thuộc dạng tầm trung và toàn đội dồn bóng để anh khuấy tung hàng phòng ngự đối phương. MU và Chelsea thì khác, Lukaku phải phối hợp nhiều hơn, hy sinh cho đồng đội nhiều hơn và phải hoạt động trong không gian hẹp hơn. Kết quả là những pha phối hợp với chính mình hay hãm bóng như sút bóng thường xuyên xuất hiện.
King Kong không tình yêu
Một khía cạnh khác khiến Lukaku thất bại ở Chelsea hay MU nằm ở phương diện tình cảm. Tiền đạo này mắc bệnh nói xấu CLB và tham phú phụ bần. Khi đạt được những thành công ở Everton và nhận được sự quan tâm từ những đội bóng lớn, tiền đạo người Bỉ lập tức công khai đòi rời Goodison Park. "Tôi đã thi đấu tại Ngoại hạng Anh sáu năm, hiểu rõ giải đấu này. Tôi muốn cán mốc 100 bàn. Thi đấu tại Ngoại hạng Anh là giấc mơ của tôi, và tôi muốn vô địch. Nhưng tôi cũng muốn danh hiệu Champions League, FA Cup và tất cả những danh hiệu khác. Tôi nghĩ rằng ở lại Everton thực sự không phải là một lựa chọn lúc này", tiền đạo người Bỉ nói.
Mùa Hè năm đó, Lukaku gia nhập MU. Nhưng rất nhanh chóng, những khó khăn tại Old Trafford khiến Lukaku bóng gió chuyện đến Serie A. Một năm sau khi đầu quân cho Quỷ đỏ, khi được hỏi về khả năng thi đấu tại Italy, Lukaku đáp: "Tại sao không? Tôi hy vọng thương vụ đó sẽ xảy ra".
Chưa dừng lại, Lukaku còn lên tiếng chỉ trích MU: "Nhiều cầu thủ đá không tốt tại Man Utd, nhưng họ cần một người để đổ tội, và đó luôn là tôi. Thật khó chịu. Nhưng cứ làm những gì họ muốn. Tôi không được CLB bảo vệ trước nhiều thông tin trái chiều. Tôi đọc được nhiều tin đồn, và chẳng ai thèm đính chính cả. Điều đó diễn ra trong ba, bốn tuần liền. Tôi đợi ai đó sẽ đính chính thông tin, hay ra mặt bảo vệ mình. Nhưng điều đó không xảy ra. Tôi đã nói thẳng với ban lãnh đạo Man Utd là tốt hơn là đôi bên nên đi con đường riêng”.
Tệ hại hơn nữa, sau khi đạt được mục đích rời MU để khoác áo Inter, Lukaku ví Quỷ đỏ như… đống phân. "Khi Chelsea quay lại với đề nghị thứ ba, tôi biết họ nghiêm túc. Inter vài lần từ chối Chelsea, nhưng sau một buổi tập tôi đến gặp HLV Simone Inzaghi và nói: 'Inter đã kéo tôi khỏi đống phân, tôi rất cảm kích nhưng giờ tôi muốn đi vì đó là Chelsea. Tôi không thể đâm sau lưng Inter, vì họ đã giúp tôi rời khỏi hố sâu ở Man Utd", tiền đạo này trả lời tờ HLN của Bỉ.
Và mới đây nhất, tháng 12/2021, giữa mùa giải khoác áo Chelsea, Lukaku thừa nhận không hạnh phúc tại Stamford Bridge đồng thời chỉ trích HLV Thomas Tuchel. "Ông ấy chơi với hệ thống khác và tôi không cảm thấy thoải mái, dù hoàn toàn ổn về thể lực. Tôi không hạnh phúc nhưng chắc chắn vẫn chuyên nghiệp. Tôi nghĩ mọi thứ xảy ra vào mùa hè không thực sự đúng. Cách tôi rời Inter, cách tôi thông báo với CĐV và chia tay đội đều khiến tôi khó chịu vì không đúng lúc. Tôi biết bản thân sẽ trở lại Inter và thực sự hy vọng như vậy", cầu thủ này nói trên Sky Sport.
Tựu trung, Lukaku thường được ví với King Kong bởi thân hình hộ pháp, nhưng tiền đạo này chưa bao giờ có trái tim ấm áp của King Kong. Tình yêu vốn dĩ là khái niệm gì đó trừu tượng nhưng luôn được đề cao hết mức. Các cầu thủ chỉ thành công và trở thành huyền thoại khi thể hiện sự trung thành và tận hiến với CLB. Lukaku không trân trọng những đội bóng anh khoác áo, thế nên mãi mãi anh chỉ là diễn viên hài sân cỏ, cho dù tổng giá trị chuyển nhượng có cao tới dường nào.