Ngày 28/11, VFF bán vé online trận bán kết lượt về AFF Cup 2018, thế nhưng người hâm mộ lại không thể truy cập được để mua vé. Điều này, khiến không ít người hâm mộ bày tỏ sự bức xúc.
Trước câu chuyện về vé xem bóng đá đang rất nóng hổi, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lương Hoàng Hưng, Tổng Biên Tập (TBT) Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, đồng thời là một trong 5 ứng viên tham gia tranh cử vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại của VFF khóa VIII.
Thưa ông, ông nghĩ sao về cách bán vé online của VFF trong trận bán kết Việt Nam- Philippines?
Tôi ghi nhận VFF đã có những thay đổi khi áp dụng hình thức online và trong việc bán vé cho người hâm mộ, phương thức này tiết kiệm được nhiều chi phí, từ khâu bán vé, rồi người hâm mộ không phải bỏ công việc để thức khuya sáng sớm xếp hàng chờ mua vé.
Đây không phải là hình thức mới, mà từ lâu đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua báo đài tôi được biết, việc mua vé online đã gặp phải sự cố khi không thể truy cập được khiến nhiều người hâm mộ không hài lòng. Công nghệ thì có nhiều hữu ích, nhưng sẽ có những rủi ro xảy ra nếu người sử dụng công nghệ không có sự chuẩn bị chu đáo, từ nhân lực, thiết bị cũng như phương án dự phòng. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam quá lớn, nên cùng thời điểm truy cập cao, thậm chí hàng trăm ngàn người truy cập cùng một lúc sẽ khiến hệ thống tê liệt. Sự cố liên quan đến việc bán vé online của VFF sẽ tất yếu xảy ra.
Tôi tin rằng, VFF sẽ rút được nhiều kinh nghiệm sau sự cố này.
Trước đó, VFF cho hay việc bán vé online là để giảm quá tải, chen lấn xô đẩy phản cảm. Thế nhưng, việc bán vé online lại có sự cố về hệ thống, có ý kiến cho rằng phải chăng VFF "lừa" khán giả? Hay VFF chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về hoạt động bán vé online khiến cho khán giả nghĩ mình như một trò đùa?
Lừa khán giả? Tôi không nghĩ VFF lại có thể để xảy ra chuyện như vậy. Như ở trên tôi cũng đã chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ để giảm thiểu sức lao động thì đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo, nhân lực phù hợp, cũng như công nghệ, đặc biệt phải có kế hoạch và phương án dự phòng khi sự cố xảy ra.
Có thể hình dung, hoạt động online tạm ví như một con đường, nếu có hàng trăm ngàn phương tiện giao thông tham gia cùng một lúc, mà con đường đó lại nhỏ, chắc chắn con đường đó sẽ bị tắc. Việc quá nhiều lượng người truy cập cùng một lúc vào trang web bán vé của VFF khiến hệ thống quá tải, thậm chí sập hệ thống.
Tuy nhiên, tôi chỉ có một chia sẻ nhỏ, trong trường hợp VFF tổ chức bán vé online, để minh bạch mọi thông số, như tổng số vé sẽ được bán ra cho người hâm mộ, công khai trên web, số vé bán được, số vé tồn, và có thể cho hiển thị một phần thông tin của khách hàng đã mua được vé. Cũng như các trang thương mại điện tử thôi, khi người mua biết được số hàng còn nhiều hay ít để mua hàng. Về mặt kỹ thuật, không có gì là khó khăn, tại sao VFF không làm vậy?
Nếu mọi thứ minh bạch như vậy, thì việc người mua được, người không mua được sẽ đều hài lòng, không tạo ra các suy nghĩ tiêu cực.
VFF thời gian qua liên tiếp xuất hiện những vấn đề khiến dư luận ngán ngẩm, từ công tác nhân sự đến lần này là việc bán vé. Vậy phải chăng VFF đang gặp khủng hoảng trầm trọng?
Tôi không bàn luận đến việc dư luận hay người hâm mộ có ngán ngẩm hay không, hay các chuyện đã từng xảy ra liên quan đến VFF trước đó, nhưng việc gì cũng có nguyên nhân, kết quả của nó. Nếu làm tốt, công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, thì kết quả nhận được sẽ là tốt.
Theo ông, VFF nên làm gì để thoát khỏi vòng luẩn quẩn và không để dư luận, người hâm mộ bức xúc?
Để mổ xẻ chi tiết thì phải mất cả ngày, cả tuần, thậm chí cả tháng... Trước đây tôi đã từng công bố đề án và đưa ra các giải pháp khi ứng cử vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và đối ngoại của VFF khóa VIII rồi. Còn trong phạm vi hôm nay, tôi chỉ chia sẻ rằng, nếu làm mọi thứ rõ ràng, minh bạch, công khai và chuyên nghiệp thì sẽ chẳng có gì phải lo cả. Và VFF cũng nên đổi mới theo hướng như vậy.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Video: NHM quây kín VFF vì không mua được vé: