Sáng ngày 28/10, tại cuộc gặp giữa Ban quản lý (BQL chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), đại diện UBND quận 5, các tiểu thương chợ An Đông "than trời" vì chợ xuống cấp trầm trọng, cũ kỹ, nhếch nhác gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh mua bán của bà con tiểu thương.
Mặc dù kế hoạch sữa chữa nâng cấp chợ đã có từ 3 năm trước, đồng thời số tiền 219 tỷ đóng góp của tiểu thương BQL chợ cũng đã thu đủ từ năm 2013, đến lúc các tiểu thương “áp lực” mới có các cuộc họp công bố về những chi phí bất thường hơn 9 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 2 hạng mục "nhỏ xíu" cho chợ và thời gian dự kiến để triển khai xây dựng …
Dù ế nhưng thuế vẫn phải đóng đủ !
Tại buổi gặp, các tiểu thương kiến nghị quận 5 nên xem xét lại vấn đề thuế và các phí cho bà con, vì trong thời điểm kinh doanh ế ẩm, chợ cũ kỹ, xuống cấp, không thu hút được khách hàng thì BQL chợ, chính quyền quận 5 nên có những chính sách ưu đãi cho tiểu thương.
Chị Hồng một tiểu thương kinh doanh tại chợ chia sẻ, tình hình kinh doanh hiện tại rất khó khăn BQL cũng như quận 5 nên xem xét lại tiền thuế cho bà con, vì mỗi tháng chị phải “gánh” tiền thuế, hoa chi, phí vệ sinh, các quỹ… Đầu năm đến nay, gia đình chị phải vay mượn ở ngoài để bù đắp vào những khoản đó.
Tiểu thương K.S thì bức xúc nói "mang tiếng tiểu thương chợ An Đông chứ kinh doanh còn thua người bán hủ tíu”, bởi vì mỗi này mở cửa là phài gánh tiền thuế, tiền thuê nhân công, tiền điện, tiền ăn… cuối ngày tính lại doanh thu không đủ phần chi, có những hôm ế khách chị chỉ biết chui vô “thùng” ngủ một giấc.
Chị H.O thì nói, những năm nay, bán ở chợ An Đông không bằng những năm trước, đã vậy thuế và phí tại chợ An Đông vẫn luôn cao hơn so với các chợ khác, chưa kể đến các khoản chi phí không tên. Chị cho biết bình quân mỗi sạp có mức đóng thuế từ 12-25 triệu tùy từng vị trí, mặt hàng và các yếu tố khác, nếu không biết tính toán rất dễ bị thua lỗ, đóng sạp.
Về vấn đế này, ông Trần Minh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính UBND quận 5 cho rằng, quận và BQL chợ vẫn thu thuế và các phí theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện tại vẫn chưa có chính sách nào được áp dụng miễn giảm cho từng tiểu thương. Trước mắt, quận ghi nhận những bức xúc, ý liến đóng góp của của các tiểu thương và trình lãnh đạo xem xét.
"Ăn cơm" nhưng quên người "nấu cơm"
Cũng tại cuộc gặp ngày 28/10, tiểu thương tên V.T nêu rằng, dù kế hoạch sửa chữa chợ đã có từ 3 năm trước, bà con tiểu thương liên tục đề nghị sửa chữa, thâm chí các tiểu thương đã gửi đơn kiến nghị lên cấp Thành phố nhưng thư hồi âm lại được chuyển về cấp quận, rồi cấp quận chuyển lại cho BQL chợ và mọi thứ vẫn “im lặng” suốt 3 năm qua.
Để chứng minh điều này, chị cung cấp cho các tiểu thương các giấy biên nhận, giấy chỉ đạo của các cấp trên và ý kiến về việc giải quyết đơn thư bức xúc của bà con. Đồng thời, chị cho rằng UBND quận 5, BQL chợ đã cố tình “phớt lờ” các chỉ đạo của cấp trên, để sự việc kéo dài nhiều năm liền. Mặc dù, phía quận và BQL vẫn thu thuế , các phí của bà con tiểu thương nhưng vô trách nhiệm trong việc sớm cải tạo sữa chữa chợ cho các tiểu thương.
“Nếu nói quận quan tâm thì không để bà con tiểu thương chờ đợi từ năm 2013, trong khi chợ đã xuống cấp trầm trọng, tình hình kinh doanh của tiểu thương ngày càng ế ẩm. Không biết, lãnh đạo quận 5 có cảm thấy có lỗi với tiểu thương hay không? Và đề nghị bức xúc của bà con sớm được giải quyết”, chị Tr. nhấn mạnh.
>> Tiền tỷ đóng góp sửa chữa chợ An Đông bị "ém"? (1)
>> Bất thường, chợ An Đông nâng cấp 2 hạng mục "nhỏ xíu" gần 10 tỷ (2)
>> 219 tỷ đồng thu từ tiểu thương chợ An Đông đang ở đâu? (3)
Về khoản tiền bỏ ra để sửa chữa nâng cấp những hạng mục nhà vệ sinh, cấp thoát nước, điện động lực gần 10 tỷ đồng mà ông Nguyễn Chí Trung – Phó BQL chợ An Đông đã công bố trước bà con ngày 28/10, tiểu thương cũng yêu cầu muốn xem bảng kê khai, quyết toán. Song, ông Trung đã khước từ cũng như kế hoạch thị công này cũng không được công bố. Nay lại công bố công khai thông tin chi tiết về các hạng mục và sắp tới “sẽ” dán thông báo công khai cho bà con được biết? "Có phải đây là kế hoạch để 'đối phó' với tiểu thương vì hành vi thiếu minh bạch và vô trách nhiệm của BQ2L chợ?", một tiểu thương đặt vấn đề.
Ngoài ra, các tiểu thương đề nghị chính quyền quận 5, BQL chợ nên xem xét việc lắp đồng hồ điện cho từng quầy - sạp. Vì với cách tính tiền điện như hiện nay của BQL chợ là vô cùng “mập mờ” và không công bằng. Có sạp chỉ sử dụng 2-3 bóng đèn tiết kiệm cũng chịu đóng tiền như những sạp sử dụng từ 4-5 bóng đèn. Việc áp giá điện theo cách chung chung cũng là cách làm mập mờ không trong sáng của BQL chợ An Đông. Vì thế, mỗi sạp cần phải được lắp đặt đồng hồ điện riêng và tự chịu chi phí trên mức tiêu thụ điện của mình, đó mới là công bằng và không để ai thiệt thòi.
Tại cuộc gặp này, bà Lê Thị Loan- Trưởng phòng Kinh tế quận 5, ghi nhận những kiến nghị của các tiểu thương, đồng thời nói rõ về trách nhiệm của Phòng Kinh tế sẽ trình lãnh đạo quận xem xét giải quyết các bức xúc của bà con tiểu thương, để chợ An Đông luôn xứng đáng với thương hiệu 65 năm qua và là chợ mang lại một trong những "nồi cơm khủng" cho kinh tế quận và của thành phố Hồ Chí Minh.
Đức Mỹ