Sân tennis dành riêng cho lãnh đạo xã?
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc một xã nghèo tại tỉnh Đắk Nông được đầu tư xây dựng sân tennis trong khuôn viên xã với kinh phí hơn nửa tỷ đồng. Sân tennis được xây dựng với diện tích khoảng 200m², rào lưới B40 kín nằm phía sau trụ sở UBND xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Tuy nhiên, sân được xây dựng xong và đưa vào hoạt động đã có không ít ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với PV, một người dân xã Nhân Cơ cho biết: “Trên địa bàn xã nhiều công trình phúc lợi dân sinh phục vụ cho nhân dân vẫn chưa được đầu tư. Người dân thiếu thốn về cơ sở vật chất như đường sá hư hỏng, lầy lội, trường học xuống cấp không được đầu tư... Thế nhưng, xã lại đầu tư một công trình nhằm phục vụ thú vui chơi giải trí mà ở đó thành phần tham gia là lãnh đạo xã.
Tennis là môn thể thao không phổ biến đối với bà con nơi đây. Người dân còn nghèo, không đủ điều kiện để chơi môn này nên sân xây lên chủ yếu phục vụ cho quan chức xã và các doanh nghiệp giàu có trên địa bàn”.
Để làm rõ vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Quang Trường, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ. Ông Trường xác nhận đã xây dựng sân tennis phía sau trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Công trình được xây dựng vào đầu năm 2015 và đưa vào sử dụng hơn một năm. Nguồn kinh phí xây dựng là do các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ và có một phần đóng góp của lãnh đạo xã.
Ông Trường nhấn mạnh: “Công trình được xây dựng không sử dụng nguồn vốn của Nhà nước mà được các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ. Bên cạnh đó, phía chính quyền xã, tôi, ông Lâm Trí Hy - Bí thư Đảng ủy xã và ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch xã cũng đã vay vốn ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đóng góp xây dựng sân tennis nói trên”.
Xây dựng đúng quy trình?
Theo ông Trường, việc xây dựng sân tennis nhằm thực hiện một trong những tiêu chí văn hóa, thể thao của nông thôn mới. Vị Chủ tịch xã cho biết: “Sân tennis xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu thể thao của cán bộ xã và người dân đam mê thể thao ở địa phương.
Chính vì vậy, khi sân được xây dựng xong nhiều doanh nghiệp đã đến tham gia giao lưu. Đây là sân chơi chung của người dân trong xã, UBND không hề thu tiền của bất cứ người nào đến tham gia, chơi bóng. Chúng tôi chỉ thu 200.000 đồng/người/tháng để mua nước và bóng trong sân”.
“Những người dân chưa biết chơi môn thể thao này, khi đến sân, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn, cho tập luyện. Sân được xây dựng tách biệt với trụ sở UBND nên người dân bất cứ giờ nào đến sân vẫn được chơi miễn phí mà không lo ảnh hưởng đến công việc các phòng ban của xã”, ông Trường cho biết thêm.
Chúng tôi nêu thắc mắc của người dân về việc đối với một xã nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn vì sao không hướng cho các doanh nghiệp dùng khoản tiền xây sân tennis để đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội.
Ông Trường giải thích: “Các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn có một sân chơi lành mạnh, nên đã đề xuất và chỉ đầu tư cho công trình này. Trước khi xây dựng sân, tôi cũng đã thông qua các ý kiến cán bộ trong xã và tất cả đã đồng ý nên cho đầu tư xây dựng”.
Cũng theo ông Trường, khuôn viên để xây dựng sân tennis là nơi được quy hoạch chung thành khu thể thao, vui chơi giải trí nên việc xây dựng sân tennis là đúng quy trình.
Trao đổi với PV về vụ việc, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: “Qua báo chí, chúng tôi đã nắm được thông tin việc UBND xã Nhân Cơ xây dựng sân tennis trong khuôn viên xã. Hiện, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu huyện Đắk R’lấp kiểm tra và báo cáo cụ thể về việc xây dựng sân tennis và sẽ thông tin sau”.
Mai Cường